Với Sony, khi nhắc tới những sản phẩm Flagship của họ, chúng ta luôn có một lý do chính đáng để gọi Sony là “Đại Đế” trong làng Audiophile. Sau gần hai năm ra mắt WF-1000XM3, Sony đã khởi đầu cho một hành trình dẫn đầu trong phân khúc tai nghe True Wireless cao cấp với khả năng chống ồn và chất lượng âm thanh đỉnh cao ở thời điểm đó. Dĩ nhiên, sau đó là sự xuất hiện của những đối thủ nặng ký như Apple AirPods Pro, Bose QC Earbuds, Jabra 85t hoặc Sennheiser Momentum TWS 2. Năm nay, Sony quyết định quay trở lại sân chơi và khiến các đối thủ lần lượt phải ngả mũ với tai nghe mới nhất của mình là Sony WF-1000XM4.
Vậy liệu thật sự Sony WF-1000XM4 có thể đánh bại tất cả các đối thủ của mình để giành lấy ngôi vị tai nghe TWS đỉnh nhất hiện tại? Chúng ta hãy cùng lần lượt đi qua từng mục để biết rõ hơn về WF-1000XM4.
Thiết kế của WF-1000XM4 là hoàn toàn khác biệt so với các phiên bản cũ. Với vỏ ngoài nhám và kích thước nhỏ hơn 10% theo như Sony công bố. Nhưng thực tế với thiết kế theo công thái học mới này thì cảm giác như Sony WF-1000XM4 nhỏ hơn khá nhiều và dễ dàng fit với cả những người có khoang tai nhỏ, điều mà rất khó và là điểm trừ của phiên bản cũ WF-1000XM3.
Mặt cảm ứng lớn hình tròn chiếm hầu hết diện tích của mặt faceplate thì điểm nhấn phải kể đến đó chính là mic thu âm hình trụ nổi bật ở kế bên và logo Sony ở cạnh trên của tai nghe.
Cảm giác đeo của WF-1000XM4 kết hợp với eartips chống ồn mới gần như tương tự với cảm giác đeo của những tai nghe IEM trên thị trường hiện nay với sự chắc chắn và cách âm rất tốt.
Khả năng chống nước IPX4 cũng là một điểm nhấn nhỏ cho Sony WF-1000XM4 khi giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng WF-1000XM4 khi tập thể dục nhẹ hoặc tập trong phòng gym và hãy nhớ là né hồ bơi ra khi chuẩn IPX4 chỉ chống được mưa nhẹ, mồ hôi và bụi, không hề có khả năng ngâm dưới nước.
Phần hộp đựng kiêm hộp sạc của WF-1000XM4 nay đã được thu nhỏ hơn rất nhiều với tỉ lệ nhỏ hơn 40% so với phiên bản cũ. Kích thước của hộp WF-1000XM4 nay đã tương đương với những hộp đựng từ những hãng như Jabra hay hộp của AirPods Pro. Hộp sạc sử dụng cổng sạc USB-C để sạc và có thể sạc không dây chuẩn Qi thông qua phần đáy của hộp sạc.
Với một thời gian dài bị mất vị thế khi nhắc tới khả năng chống ồn vào tay của AirPods Pro và Bose QC Earbuds thì sự trở lại của WF-1000XM4 đơn giản là một bước giành lại ngôi vị số 1 của mình. Sử dụng con chip mới nhất của mình với tên gọi là V1, WF-1000XM4 đã đưa công nghệ ANC bước qua một trang mới. Khả năng chống ồn của Sony WF-1000XM4 được cho là hoàn toàn có thể đánh bại AirPods Pro và nhỉnh hơn cả Bose QC Earbuds ở khoản lọc tạp âm xung quanh. Và điều này đã giúp chất lượng chống ồn trên Sony WF-1000XM4 tiến gần hơn và gần như tương đương với khả năng chống ồn của những dòng headphones cao cấp của Sony.
Nhưng để đạt được khả năng chống ồn đỉnh cao này không thể không nhắc tới cặp eartips mới mà Sony thiết kế riêng cho Sony WF-1000XM4. Nếu như chúng ta đã quen với việc Sony thường cung cấp sẵn những phụ kiện như eartips khá nhiều với eartips silicon và eartips hybrid thì lần này với WF-1000XM4 sẽ chỉ có 3 cặp eartips chống ồn mới với sự kết hợp hybrid giữa foam bọt biển và silicon chất lượng cao với thiết kế mới cực kỳ bám tai, đồng thời tăng khả năng chống ồn cho tai nghe.
Sử dụng hai micro cảm biến tiếng ồn hiệu suất cao phục vụ cho công tác chống ồn đã giúp cho khả năng chống ồn của Sony WF-1000XM4 được phát huy tối đa. Với những tiếng ồn như ở quán cà phê, ga tàu điện ngầm hoặc ở những khu vực đông người như siêu thị hoặc khu mua sắm thương mại, chỉ cần bật chức năng ANC lên thì mọi thứ gần như biến mất và tĩnh lặng hoàn toàn. Một số reviewer ở nước ngoài thậm chí còn sử dụng WF-1000XM4 trong quán bar, và với nhạc mở ở mức âm lượng 60% kèm theo ANC được bật thì hầu như không có gì có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe nhạc.
Và khả năng chống ồn không chỉ hoạt động ở chế độ nghe nhạc, xem phim mà còn hoạt động rất tốt khi chúng ta sử dụng với chức năng đàm thoại. Với khả năng nhận diện khi nào bạn nói và khi nào bạn không nói, Sony WF-1000XM4đã thể hiện rất xuất sắc khi gần như loại bỏ hầu hết những tạp âm, giúp cho chúng ta nghe được rõ ràng hơn những gì người gọi đang giao tiếp với chúng ta.
Về chế độ Ambient Mode của tai nghe đã được Sony cải thiện và tái tạo một cách tự nhiên hơn. Và với ứng dụng Headphone Connect của Sony, chúng ta có thể tuỳ chọn cho số lượng âm thanh có thể được tái tạo qua chế độ Ambient Mode hoặc có thể tùy biến kết hợp giữa chế độ chống ồn ANC và Ambient Mode tuỳ thuộc vào vị trí hiện tại như ở nhà, công ty, phòng gym,... và Sony có thể ghi nhớ những tùy chọn này và thay đổi tự động khi phát hiện ra bạn đang thay đổi môi trường xung quanh hoặc hoạt động của bạn.
Một chức năng khá thú vị mà Sony mang từ những mẫu headphones xuống WF-1000XM4 đó là “nói-để-trò-chuyện” (“speak-to-chat”). Khi bật chế độ này lên thì tai nghe sẽ tự động ngắt nhạc khi phát hiện có người trò chuyện với bạn và sau khi bạn ngừng trò chuyện vài giây thì nhạc sẽ phát trở lại. Với chế độ này bạn sẽ không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cuộc trò chuyện nào xung quanh mình. Ngoài ra chúng ta còn có thể kích hoạt chế độ Ambient Mode khi nhấn giữ bên tai trái để có thể nghe và trò chuyện với người đối diện, Sony WF-1000XM4 sẽ tự động chuyển qua chế độ Ambient Mode và giảm dần âm lượng nhạc.
Ngoài ra thì bạn có thể tùy chỉnh và gán thêm chức năng cho những thao tác này thông qua ứng dụng Headphones Connect. Mặc định WF-1000XM4 sẽ tự dừng nhạc khi tháo tai nghe ra khỏi tai và phát lại ngay lập tức khi chúng ta đeo tai nghe trở lại.
Với con chip V1 sử dụng trong Sony WF-1000XM4 thì việc sử dụng kết nối Bluetooth 5.2 trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng, kết nối ổn định thì Bluetooth 5.2 còn hỗ trợ nhiều codec âm thanh trong đó có LDAC, vốn là một điểm mạnh trong công nghệ giải mã không dây của Sony từ xưa đến nay.
Với việc hỗ trợ codec LDAC kèm theo sự bùng nổ của các dịch vụ stream nhạc khi có thêm sự gia nhập của hai thương hiệu lớn là Apple và Spotify. Thì việc có hỗ trợ LDAC để tăng khả năng truyền dẫn chất lượng nhạc lên tới 990kbps, WF-1000XM4 lại đặt thêm một chân vào vị trí cao nhất trong việc hỗ trợ giải mã và kết nối để đạt được chất lượng âm thanh cao nhất cho tai nghe TWS trên thị trường hiện nay.
Cần lưu ý là hiện nay công nghệ LDAC sẽ chỉ xuất hiện trên những thiết bị Android có hỗ trợ LDAC mà chưa có trên bất kỳ thiết bị nào của Apple. Với những thiết bị iOS của Apple sẽ vẫn hỗ trợ codec cao nhất là AAC cho chất lượng âm thanh ở mức 250kbps.
Về phần kết nối hoạt động ổn định thì với Bluetooth 5.2 kèm theo chip V1 thì những hiện tượng như mất kết nối một bên tai, không ổn định kết nối là hầu như không xảy ra trên Sony WF-1000XM4. Với những phiên bản cũ thì tai nghe sẽ được kết nối theo phương thức từ nguồn phát qua tai nghe A rồi từ tai nghe A qua tai nghe B. Nhưng với chip V1 mới thì từ nguồn phát sẽ phát trực tiếp cho cả hai bên tai nghe, đảm bảo kết nối luôn luôn ổn định.
Ngoài ra thì có một phần nhỏ nhưng không hề thừa đó là Sony đã mang công nghệ DSEE (Digital Sound Enhancement Engine) vốn rất nổi tiếng trên các máy nghe nhạc của Sony lên WF-1000XM4 với phiên bản mới mất mang tên DSEE Extreme. Công nghệ này sẽ giúp tái tạo lại những âm thanh bị nén nhằm tăng trải nghiệm khi tận hưởng âm nhạc. Nói ngắn gọi thì với những file âm thanh lossy (file nhạc nén) như .mp3, .m4a thì khi qua chế độ DSEE sẽ được cải thiện chi tiết tốt hơn.
Công nghệ sạc nhanh là thứ mà Sony không thể nào quên tích hợp cho sản phẩm đầu bảng của họ. Ngoài việc với thời lượng sử dụng cực kỳ ấn tượng thì việc tích hợp sạc nhanh giúp cho việc trải nghiệm WF-1000XM4 sẽ không hề có một chút gián đoạn nào. Nếu bạn đang vội thì chỉ cần với 5 phút trong hộp sạc, chúng ta có 60 phút sử dụng trên tai nghe. Và với một số smartphone có công nghệ sạc Qi và có chức năng chia sẻ pin thì có chúng ta cũng có thể dùng chức năng đó để sạc cho WF-1000XM4.
Ở chế độ sử dụng bình thường và ANC: khi mà mặt bằng chung của những tai nghe đang ở mức trung bình là 4-5 tiếng sử dụng cho một lần sạc đầy, đôi khi là ít hơn nếu bật thêm một vài tính năng như chống ồn hoặc ưu tiên chất lượng âm thanh. Nhưng với WF-1000XM4 thì không, chỉ với một lần sạc đầy, và chạy song song với chế độ ANC thì Sony WF-1000XM4 có thể hoạt động liên tục tới 8 tiếng trên điều kiện lý tưởng. Thực tế thì một số reviewer nước ngoài đã test và thu về kết quả là 7 tiếng 45 phút, khá sát với thông số mà Sony công bố. Khi tắt chế độ chống ồn thì thời gian hoạt động của WF-1000XM4 có thể tăng lên tới 12 tiếng liên tục. Kèm thêm hộp sạc có thể sạc lại cho tai nghe thêm 2 lần thì tổng cộng chúng ta đang sở hữu 24 tiếng hoạt động với chế độ ANC và lên tới 36 tiếng nếu tắt chế độ ANC.
Một con số cực kỳ ấn tượng khi Sony đã giảm kích thước hộp sạc xuống nhỏ gọn hơn nhưng lại tăng thời gian sử dụng lên và chính thức đánh bại mọi đối thủ của mình trong khoản thời lượng pin sử dụng trên mẫu WF-1000XM4.
Ở chế độ LDAC: chính là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến thời lượng sử dụng pin của WF-1000XM4. Như đã nói ở trên nếu chúng ta nghe nhạc liên tục với chế độ ANC được mở thì có thể sử dụng liên tục đến 8 tiếng. Nhưng khi có thêm sự góp mặt của LDAC thì tổng thời gian sử dụng nay được kéo xuống ở tầm 5 tiếng liên tục. Nhưng hãy suy nghĩ với khối lượng công nghệ và các tác vụ phải xử lý trên một con tai nghe TWS thì điều này là hoàn toàn có thể chấp nhận được vì rõ ràng chưa có một đối thủ nào trên thị trường có thể làm được điều này như WF-1000XM4.
Mang rất nhiều công nghệ lên trên Flagship Sony WF-1000XM4 của mình nhưng hãng Sony vẫn không hề bỏ quên chất lượng âm thanh thực sự của tai nghe. Với 1 driver dynamic 6mm có khả năng đánh từ 20Hz tới 40kHz thì chắc chắn là WF-1000XM4 sẽ vẫn được xếp vào hàng tai nghe Hi-res.
Về việc chất âm những sản phẩm thương mại của Sony gần đây thường được tune theo hướng “thị trường hoá’ với chất âm thường bám sát theo xu hướng âm nhạc hiện tại. Thì không có gì ngạc nhiên khi chất âm của WF-1000XM4 mang trong mình nét đặc trưng của những sản phẩm Sony gần đây đó là chất âm thiên hướng trầm ấm và đầy đặn.
Theo như đánh giá từ trang “The Verge” thì chất âm của WF-1000XM4 được miêu tả như sau:
“Với những bản nhạc của Dua Lipa thì tiếng bass dày và chắc hơn. Với album Sour của Olivia Rodrigo thì WF-1000XM4 thể hiện quá tốt phần bass và low-mid, ngoài ra thì giọng hát chính, hát bè và guitar thùng đều được thể hiện quá hoàn hảo mà không có chút chói gắt nào.
Thật dễ dàng để nhắm mắt và đắm chìm vào những giai điệu từ Lost Cause của Billie Eilish, nơi mà những tiếng thì thầm xuyên qua tai dưới sự chi tiết sắc nét trên toàn bài hát. Với single mới nhất của John Mayer - Last Train Home thì không gian âm nhạc đã được WF-1000XM4 thể hiện cực kỳ chi tiết và thoáng đãng. Cho dù có chuyển đổi qua nhiều thể loại nhạc khác nhau thì khó có thể tìm được một khoảnh khắc nào mà WF-1000XM4 không thể tỏa sáng. Từ những tiếng guitar điện trên nền nhạc Rock những năm 70 cho tới một chút nhạc Soul thì giọng hát trầm ấm của Sam Cooke vẫn được WF-1000XM4 thể hiện rất tinh tế. Với những bản nhạc điện tử, hiphop thì bass của WF-1000XM4 chưa bao giờ bị vỡ hoặc dư thừa quá mức cần thiết.”
Với tất cả những gì đã thể hiện ở bên trên thì Sony WF-1000XM4 hoàn toàn xứng đáng với ngôi vương cho tai nghe TWS ở thời điểm hiện tại. Một sản phẩm mang trong mình những công nghệ tiên tiến nhất, thời lượng pin sử dụng ấn tượng kèm một chất âm đặc trưng không thể tách rời của Sony. Đây là thành quả xứng đáng cho Sony cũng như cách Sony cho chúng ta thấy được nếu họ thật sự dồn tâm huyết vào một sản phẩm thì chắc chắn nó sẽ là tuyệt vời nhất.
Sở hữu hai điểm mạnh lớn nhất cho một tai nghe TWS là chất lượng âm thanh và khả năng chống ồn, Sony thậm chí còn đưa WF-1000XM4 lên một tầm cao mới nhờ thiết kế hoàn toàn mới nhỏ gọn và vừa khít tai hơn, giúp chiếc tai nghe này có thể đánh bại mọi đối thủ ở phân khúc cao cấp này. Với số tiền bỏ ra để sở hữu một sản phẩm Flagship như WF-1000XM4 thì đó là một sự đầu tư hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: Soundguys
[Products:3563]