Mẫu máy nghe nhạc tin đồn của Oriolus mới đây cũng đã cập bến Xuân Vũ Audio, có thể nói đây là sản phẩm đáng mong đợi nhất từ nhà Oriolus. Với sự vắng bóng rất lâu của kẻ kế nhiệm DP100, Oriolus đã cho ra 1 loạt sản phẩm DAC và AMP di động trong khoảng thời gian 2019-2020 và thành công điển hình là 1795, BD20 và BA20. Và không ngoài dự đoán của các fan, chúng ta đã được thấy hãng công bố mẫu máy DPS-L2.
Trước đó, DP100 là sản phẩm DAP đầu tiên mà Oriolus cho ra mắt. Chiếc máy này đã tạo một phong cách riêng của sản phẩm máy nghe nhạc của hãng khi có màn hình kiểu cũ không sử dụng điều khiển cảm ứng, tất cả thao tác đều dùng phím bấm.
Oriolus DPS-L2 cũng dựa trên nền tảng đó, đặc biệt hơn là hãng đã tái dựng lại từ nguyên bản Walkman TPS-L2 tape player đã xuất hiện hơn 40 năm trước.
Cách đóng hộp trên chiếc Oriolus DPS-L2 rất đơn giản thông qua thiết kế kéo rút trên hộp.
Phụ kiện đi kèm tiêu chuẩn gồm :
Nếu các bạn chưa biết đến Oriolus, chắc hẳn sẽ không nghĩ sản phẩm này là một DAP Hi-res phân khúc cao cấp vì nó quá khác biệt so với các thiết bị công nghệ hiện nay.
Oriolus DPS-L2 có bộ vỏ được làm từ nhôm CNC, chỉ còn lại phần bên trên bộ thu phát bluetooth là bằng nhựa. Có lẽ kỹ sư trưởng Raosound là một fan của SONY Walkman nên đã sử dụng lại thiết kế nguyên bản chiếc TPS-L2. Nhưng đây vẫn là một sản phẩm Digital Music Player và Oriolus đã khéo léo branding ở phía mặt trước ở phần cạnh trên của chiếc máy.
Phần mặt trước và màn hình của máy trông hoàn toàn rất giống với Walkman TPS-L2 với 2 tông màu phân biệt rõ chức năng, chỉ khác đó là nếu bạn mở nắp lên thì nó không phải nơi đậy khe cassette tape mà lại là một chiếc màn hình IPS 2.4” chỉ hiển thị. Hai bên màn hình là các phím vật lý điều khiển giao diện chính của máy bao gồm: Menu và Return phía bên trái; Prev, Next và Enter phía bên phải.
Mặt sau máy in logo của hãng và bên dưới là số series sản phẩm trên tổng số 999 máy sản xuất giới hạn.
Đến với cạnh phải màu xám, nơi bố trí cổng sạc USB-C bên dưới và cụm phím điều khiển. Ở giữa 2 thanh trượt volume đặt tương ứng cho hai kênh L/R, phần trên có 5 phím vật lý bao gồm forward, backward, play, stop và phím power / bật tắt màn hình. Các phím điều khiển phát nhạc được sản xuất đúng theo cách sắp đặt và cảm giác bấm như trên Walkman TPS-L2. Ở giữa nút power và stop, còn có sự xuất hiện của một chiếc mic mà mình sẽ đề cập đến ở phần tính năng bên dưới.
Đến với mặt trên của máy, ngoài việc được trang bị đến tận 2 cổng cắm jack 3.5mm (điều mà rất ít hãng sản xuất DAP làm trên sản phẩm của họ), Oriolus DPS-L2 cũng có trên mình cổng 4.4mm balanced được thiết kế bao quanh bởi những đường tròn tròn đồng tâm dễ thấy trên các sản phẩm của SONY Walkman. Đặc biệt hơn nữa là sự tái xuất của phím Hotline, điều mà nhiều người sẽ thích khi có cơ hội được thử.
Đến phần cạnh còn lại và cạnh đáy của máy. Cạnh trái màu xanh là nơi lắp hai bản lề của nắp đậy màn hình, cụm anten bluetooth và chiếc cần gạt chuyển Gain. Cuối cùng, điều quan trọng đối với các sản phẩm DAP là khe cắm thẻ nhớ được đặt ở cạnh đáy.
Tuy sản phẩm có thiết kế máy băng cassette cổ điển nhưng vẫn có kích thước đủ gọn và có độ di động cao. Các cổng cắm được gia công chắc chắn và bố trí hợp lý. Điều mình không thích có lẽ là việc phải mở nắp che màn hình để thao tác chọn tệp nhạc cũng như điều chỉnh cài đặt. Vì thế nhà sản xuất đã bù đắp cho sản phẩm cao cấp của họ bằng khả năng kết nối HibyLink thông qua bluetooth, tính năng giúp smartphone có thể truy cập player của máy thông qua giao diện app Hiby Music. Mình đã không còn gặp khó khăn khi sắp xếp playlist cũng như chọn nhanh track nhạc khi thao tác cảm ứng trên smartphone.
Trải nghiệm một sản phẩm trộn lẫn giữa hiện đại và cổ điển với DPS-L2 đúng là rất độc đáo và khó gặp trên bất kì DAP nào trên thị trường hiện tại. Cách bấm nút không khác gì một máy cassette ngày xưa, phím cơ chuyển động rất chuẩn xác và cảm giác lẫn tiếng động khi bấm làm mình thấy thực sự phấn khích. Volume trượt tách biệt cho hai kênh phải nói là ý tưởng vượt trội trên TPS-L2, nay được tái hiện trên DPS-L2. Với tính năng này, người dùng sẽ tùy ý điều chỉnh bố cục âm thanh của bài hát, hoặc dùng để khắc phục đặc tính ống tai to nhỏ không đều của người nghe điển hình như mình. Mình không còn gặp khó chịu khi sử dụng các loại silicon tip có ống to, âm thanh mình nghe sẽ nhỏ hơn ở bên trái vì ống tai bên phải của mình bé hơn.
Còn về chiếc nút màu cam với cách gọi vui Hotline, khi bấm vào máy sẽ ngay lập tức mute âm now playing mà chuyển sang khởi động micro ở phía cạnh phím nguồn, giúp chúng ta nghe âm thanh bên ngoài. Để dễ hiểu hơn thì bạn hãy coi đây giống như tính năng 'ambient sounds' trên các mẫu tai nghe không dây mà lại được thu và phát từ DAP. Nút Hotline khá thú vị đối với những ai chưa thấy, chưa sử dụng qua cũng như là một sự hoài niệm với những ai đã sở hữu các tape player có tính năng tương tự.
Thời lượng pin khi sử dụng là thoải mái, trong quá trình 30 giờ trải nghiệm mình chỉ cần sạc lại 2 lần và tổng thời gian sạc là hơn 2 giờ. Tuy nhiên, khi phát nhạc DSD thì chip DAC ES9038 Pro sẽ hoạt động rất mạnh khiến lượng pin sụt nhanh, điều này cho thấy phần cứng của DPS-L2 có hiệu năng không chỉ ở mức nguồn phát di động.
Giao diện phần mềm của DPS-L2 được phát triển theo hướng retro của đồ điện tử những năm 90 và 2000, máy không có giao diện hệ điều hành và UI đơn giản. Rất phù hợp với những mẫu máy tập trung hoàn toàn vào tính năng nguồn phát nhạc số.
Trước tiên mình sẽ nói về các cài đặt âm thanh mình sử dụng trong máy: DPS-L2 có 2 bộ lọc âm số (digital filter) là “slow roll-off” và “sharp roll-off”, mình nghe đều xen kẽ cả 2 filter này; phần giải mã DSD mình chỉnh ở chế độ “DoP”; EQ âm thanh ở một số bản nhạc Pop-rock và Dance mình cũng đã thử tăng và giảm các tần âm bass và không sử dụng các tần số khác.
Phần phối ghép tai nghe: DPS-L2 theo cảm nhận của mình thì nó là sản phẩm mang đậm gu mộc mạc và analogue nên mình quyết định lựa những mẫu IEM có chất âm không theo hướng nhạc điện tử như SeeAudio Yume, Moondrop Starfield & Blessing 2, và Oriolus Isabellae.
Đối với những ai có ấn tượng tốt với bộ đôi portable song sát Oriolus DAC BD20 và Amp BA20, thì DPS-L2 chính là bản hợp thể hi-end mà hãng mang đến cho thị trường. Chất âm của DPS-L2 vượt xa trải nghiệm trước đây ở combo BD20 và BA20 mà mình đã có, độ bay bổng cũng như tách lớp, kiểm soát ở từng dải âm mà mẫu DAP này cho ra đúng những gì nhà sản xuất đã trang bị. Phần cứng âm thanh với chip ES9038Pro và op-amp 1612 TI đem đến cho mình âm thanh tái tạo rất chuẩn xác mà lại không thiếu đi nhạc tính vốn có của xứ hoa anh đào Nhật Bản. Thật lòng mà nói, những gì mình nghe được từ chiếc DAP này có phần tương đồng với các sản phẩm đỉnh cao của nhà SONY.
Dải Bass
Trung thực và kiểm soát tốt. Ở filter “sharp roll-off”, dải bass nghe có phần dày dặn hơn filter “slow roll-off” nhưng vẫn được giữ đúng mức và không lấn sang các dải khác. Đặc biệt với kết cấu dải bass trên chiếc Oriolus DPS-L2, người nghe sẽ cảm nhận rất rõ các nhạc cụ acoustic với độ trầm khá nịnh. Một số tiếng beat điện tử đánh ra sẽ khá gọn và ít kéo đuôi nhưng không hề thiếu năng lượng.
Dải Mid
Trong trẻo và tình cảm. Các chi tiết trên dải âm này là nét đặc trưng làm nên thương hiệu Oriolus. Đối với thể loại nhạc chậm rãi như hòa tấu, ballad, pop Á Đông trữ tình thì mid của DPS-L2 sẽ cho bạn trải nghiệm trên cả tuyệt vời kể cả khi chỉ dùng các mẫu IEM giá mềm mà mình đã đề cập. Oriolus chú trọng nhạc tính ở dải này hơn là tính kỹ thuật. Tuy nhiên, mình vẫn cảm nhận chi tiết trung âm chỉ dày vừa đủ, và hơi mỏng nếu nghe qua filter “slow roll-off”.
Dải Treb
Mượt mà và bay bổng. Có ý kiến cho rằng mẫu DAP này không thích hợp để nghe giao hưởng hay những bản master hiệu ứng lung linh, cũng như Oriolus DPS-L2 làm dải treble ngân “chưa ngon” dù có mức giá cao hơn iBasso DX220 Max. Cá nhân mình khi đã trải nghiệm, mình chỉ xin đồng ý một nửa.
Treble tái tạo rõ ràng trên các bản nhạc nhịp độ nhanh vừa phải, nhưng đối với các bản phối nhịp độ quá nhanh và nhạc cụ phức tạp thì filter “sharp roll-off” mới đem lại trải nghiệm tốt. Các âm leng keng trên DPS-L2 nghe khá nhẹ, đây là điều tất yếu khi tuning mà hãng Oriolus hướng đến là một màu âm mộc và bay bổng để dải mid được nổi bật hơn và không hề chói gắt.
Âm thanh sân khấu
Oriolus đã tạo cá tính rất tốt cho chiếc DAP đầu bảng của mình. Là một nguồn phát có chất cổ điển, filter “slow roll-off” tái tạo âm trường một cách rất gần gũi và phần vocal sẽ laidback nhẹ, chi tiết nhạc cụ có cảm giác bay bổng hòa lẫn trong một không gian vừa phải.
Cổ nhưng xen lẫn hiện đại, bạn sẽ có một không gian hòa nhạc rộng rãi về cả chiều ngang lẫn chiều sâu khi đổi sang filter “sharp roll-off”. Mọi chi tiết âm thanh được tái tạo chính xác vị trí và rõ ràng từng nhịp đập bass, vocal cũng được tập trung tốt hơn.
Khả năng phối ghép
Mình cũng có thử độ khỏe của Oriolus DPS-L2 bằng Hifiman HE400i v.2020 và Tin hifi P1, cắm chúng vào cổng 3.5mm riêng biệt và đồng thời thì chúng cho lại kết quả đáng ngạc nhiên. Cả 2 chiếc tai nghe đều được phát huy có thể nói là hoàn toàn, và chỉ suy giảm một chút khi cắm chúng đồng thời. Các mẫu IEM single driver không bị dính tiếng cũng như mất kiểm soát. Nền âm của DSP-L2 rất tĩnh, đen thăm thẳm, bạn sẽ không phải lo chi tiết bị mờ trên những chiếc tai nghe crossoverless đắt tiền. Tín hiệu cho ra trên cổng 4.4mm vượt trội hơn hầu hết các mẫu ampli mà mình có thể nghĩ tới trong phân khúc 11-12 triệu đồng. Như vậy, bạn không phải băn khoăn về việc DPS-L2 không có cổng lineout tách riêng.
Từ khi xuất hiện, có hai luồng ý kiến xoay quanh DPS-L2. Một bên cho rằng hãng sao chép thiết kế của Walkman là thiếu tính sáng tạo, bên còn lại cho rằng Oriolus đã tạo ra một phiên bản lỗi L2 nhưng nâng cấp lên hi-end với âm thanh ngất ngây. Với mình, mình yêu tính tối giản mà Oriolus mang đến với người dùng. Không tháo lắp op-amp, không module mạch audio, chỉ đọc mỗi hai digital filter. Sau cùng, mình tin chất âm của DPS-L2 sẽ làm hài lòng người yêu âm nhạc và những dân chơi sưu tầm đồ điện tử.
[Products:3593]