Đánh giá HiBy WH2: Tai nghe TWS chuẩn LDAC đầu tiên trên thế giới

Đánh giá HiBy WH2: Tai nghe TWS chuẩn LDAC đầu tiên trên thế giới

Cập nhật : 22-09-2021, 1:34 pm - Lượt xem : 436

Sau một thời gian ra mắt mẫu TWS WH3, thì các kỹ sư tài năng của HiBy đã quay trở lại với một sự ra mắt hoành tráng hơn cho mẫu tai nghe TWS mới nhất của hãng mang tên Hiby WH2. Mẫu tai nghe không dây này sẽ được ra mắt với hai phiên bản: một phiên bản sử dụng 1 driver dynamic và một phiên bản sử dụng 2 driver BA. Phiên bản chúng ta đánh giá hôm nay sẽ là bản sở hữu 2 driver BA. Cũng như tiêu đề thì WH2 sẽ là tai nghe TWS đầu tiên trên thế giới sở hữu chuẩn LDAC, một cú ghi điểm cực kỳ lớn của Hiby với cộng đồng âm thanh HiFi.

HiBy WH2

ĐÓNG GÓI VÀ PHỤ KIỆN

Hiby WH2 được đóng gói trong 2 phần khác nhau, được nằm trong một hộp giấy bìa được thiết kế rất tinh tế. Một số thông tin cơ bản được HiBy in bên cạnh hộp. Sau khi mở nắp hộp thì chúng ta sẽ có một hộp đựng WH2 màu xanh. 

HiBy WH2

Bên dưới chúng ta một số phụ kiện cơ bản như 4 cặp eartips với nhiều kích cỡ khác nhau, dây sạc USB-C to USB-A. Phụ kiện đi kèm có chất lượng khá tốt, tạo cho tổng thể trải nghiệm mở hộp Hiby WH2 là khá hài lòng.

HiBy WH2

THIẾT KẾ

HiBy đã mang tính sáng tạo và tỉ mỉ của mình lên phong cách thiết của hãng. Bản thân mình luôn tưởng tượng mẫu tai nghe TWS có chuẩn LDAC đầu tiên trên thế giới sẽ có kích thước hơi to hơn tiêu chuẩn một chút để có thể nhét vừa những linh kiện hỗ trợ LDAC, nhưng HiBy đã không làm chúng ta thất vọng khi trình làng mẫu Hiby WH2 với thiết kế cực kỳ nhỏ gọn.

HiBy WH2

Đầu tiền là 2 củ tai nghe với kiểu dáng nhỏ gọn cùng với thiết kế 2 màu mang lại cảm giác rất tinh tế. Mặt trong của housing được sơn màu xanh nhám, trong khi mặt faceplate được sơn màu xanh bóng. Mặc dù mang trên mình một thiết kế rất bóng bẩy nhưng dường như hãng không cung cấp một thông tin nào về khả năng chống nước cũng như chống bụi của Hiby WH2, đồng nghĩa với việc WH2 chỉ phục vụ cho những công việc như nghe nhạc hoặc đàm thoại ở môi trường bình thường, không phù hợp với các hoạt động thể thao cũng như ngoài trời. 

HiBy WH2

Hộp sạc trên Hiby WH2 cũng mang cùng phong cách thiết kế nhỏ gọn với phần vỏ ngoài bằng kim loại và bên trong bằng nhựa cứng. Tuy có thiết kế rất cứng cáp nhưng điểm trừ lại nằm ở phần bản lề của hộp khi trải nghiệm mở và đóng hộp có chút lắc lư, hi vọng là với bản thương mại thì HiBy sẽ sửa lỗi này. Hai tai nghe được giữ trong hộp bằng nam châm rất chắc, cho chúng ta một cảm giác yên tâm hơn khi tai nghe sẽ không bị rơi khỏi hộp sạc. Cổng sạc USB-C nằm ở bên hông cho cảm giác cắm rút chắc chắn kèm đèn LED hiển thị tình trạng sạc.

HiBy WH2

Để tổng kết lại, ở phần thiết kế thì WH2 mang một thiết kế rất đặc trưng, cao cấp ngoại trừ bản lề thiết kế chưa được chắc chắn lắm. Điểm cộng và vỏ ngoài với mặt sơn nhám sẽ không bám vân tay quá nhiều, giữ cho hộp và tai luôn trong tình trạng đẹp nhất.

CÔNG NGHỆ VÀ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT

Sở hữu chip Bluetooth 5.2 Airoha AB1565 với codec LDAC, sự ổn định giữa WH2 với nguồn phát được đảm bảo hoàn toàn ổn định. Để đảm bảo được codec LDAC hoạt động tốt nhất thì chúng ta nên ưu tiên phát nhạc từ nguồn nhạc được lưu trên máy. Trong thực tế khi test thì khi sử dụng nguồn nhạc stream từ Tidal hoặc Spotify qua LDAC sẽ có hiện tượng ngắt quãng tầm 1s, hiện tượng này sẽ biến mất khi chúng ta chuyển qua sử dụng nguồn nhạc lưu trên bộ nhớ máy. Tuy nhiên đây là một lỗi phần mềm và chắc chắn là HiBy sẽ tập trung cải thiện trước khi bản thương mại được đến tay người tiêu dùng.

Ngoài LDAC thì WH2 còn sở hữu UAT (Ultra Audio Transmission), một codec được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của HiBy. UAT cho phép chúng ta truyền tải dữ liệu lên tới 1200kbps (so với 900~1000kbps của LDAC). UAT sẽ được hỗ trợ thông qua ứng dụng HiBy Music trên nền tảng Android. Nhưng hiện tại với bản thử nghiệm của WH2 thì mình chưa kích hoạt được tính năng này, có lẽ tính năng này sẽ được update thông qua OTA trong tương lai. Với việc hỗ trợ codec UAT kèm theo những tính năng mà nó mang lại thì trong tương lai chúng ta sẽ được trải nghiệm những bản nhạc Lossless với chất lượng cao hơn là điều hoàn toàn khả thi.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của WH2 chính là khả năng điều chỉnh phân tần kỹ thuật số. Tuy vậy, khả năng này chỉ áp dụng cho phiên bản WH2 sử dụng 2 driver BA, chúng ta có thể dùng ứng dụng HiBy Blue để điều chỉnh phân tần của WH2 để cho ra chất âm phù hợp nhất với bản thân. Thông số điều chỉnh dao động từ 200Hz tới 20kHz, chúng ta có thể kéo để chọn hoặc nhập thông số mình muốn. Về cơ bản thì nếu muốn WH2 nghe nhiều năng lượng và trong hơn, chúng ta có thể tăng chỉ số phân tần này lên. Ngược lại nếu chúng ta muốn một chất âm trầm ấm thì hãy hạ chỉ số này xuống. Trải nghiệm chi tiết về phần này sẽ nằm trong phần đánh giá chất âm ở mục dưới.

GIAO DIỆN SỬ DỤNG VÀ THỜI LƯỢNG PIN

Về phần điều khiển thì Hiby WH2 được trang bị điều khiển cảm ứng trên mặt faceplate với những tác vụ cơ bản như dừng/phát nhạc, qua/lùi bài nhạc, nhận/từ chối cuộc gọi và kích hoạt trợ lý ảo. Trong tương lai khi kết hợp với ứng dụng HiBy Blue, chúng ta có thể điều chỉnh và gán lại các chức năng cho các tác vụ cảm ứng này. Mặc dù mình không phải là fan của những nút điều khiển, vì đa số cho những phản hồi chậm và dễ bấm nhầm, nhưng với WH2 thì đa số mọi tác vụ đều hoạt động ổn và ít độ trễ.

                 

Thời lượng sử dụng được HiBy công bố là 6 tiếng liên tục nhưng trên thực tế thì khi mình test nó rơi vào khoảng 3.5~4 tiếng khi sử dụng codec LDAC. Đây là một điều không quá bất ngờ khi LDAC là một codec cực kỳ ngốn pin. Nhưng khi chuyển về codec SBC thì WH2 hoàn toàn có thể đạt được mức 5.5~6 tiếng như HiBy công bố.

Với việc trang bị mỗi bên 2 microphone để cải thiện khả năng đàm thoại thì có vẻ như Hiby WH2 cũng không cải thiện được quá nhiều. Với điều kiện như ở phòng kín hoặc im lặng thì mic đàm thoại của WH2 hoạt động khá tốt nhưng khi di chuyển qua khu vực nhiều tiếng ồn hơn thì việc đàm thoại thông qua WH2 có vẻ hơi bất tiện.

Độ trễ trên tai TWS luôn là một điểm luôn được nhắc tới mỗi khi chúng ta có một mẫu mới được ra mắt. HiBy cũng không nằm phần ngoại lệ khi mỗi codec sử dụng sẽ cho chúng ta một độ trễ khác nhau. Với codec SBC thì độ trễ trên WH2 được kiểm soát cực kỳ tốt và hầu như không có độ trễ khi xem Youtube hoặc xem Netflix. Tuy nhiên khi đổi qua codec LDAC thì chúng ta sẽ cảm nhận được một chút độ trễ, cũng không khó hiểu khi LDAC vốn dĩ được xây dựng cho trải nghiệm âm nhạc, vốn chưa được tối ưu cho xem video hoặc chơi games. Tương tự về vấn đề độ trễ khi chơi games được thể hiện khá rõ, và rõ ràng đây là điểm chung của đa số nhiều mẫu tai nghe TWS trên thị trường hiện nay chứ không riêng WH2.

ĐÁNH GIÁ CHẤT ÂM

Với khả năng điều chỉnh phân tần kỹ thuật số thì chất âm của Hiby WH2 sẽ thay đổi khá nhiều phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh của chúng ta. Và sau đây chúng ta cùng test 3 mức phân tần cơ bản cho tai WH2.

  • Phân tần mức 18500Hz

Chúng ta khởi đầu với mức này vì với mình ở 18500Hz, WH2 mang lại một chất âm cân bằng nhất và cũng là mức mang lại khả năng thể hiện kỹ thuật tốt nhất trong những mức mà mình trải nghiệm. Chất âm WH2 lúc này khá là cân bằng và thoáng. Chi tiết thể hiện khá tốt, mang lại cảm giác rất thích thú và tràn đầy năng lượng. 

Bass đánh tròn tiếng, sub-bass xuống vừa đủ sâu. Bass có lượng vừa đủ và với một số bài cần nhiều bass thì WH2 vẫn thể hiện rất tốt, kiểm soát tốt và không bị lấn vào mid. 

Mid ấm và mượt, vocal thể hiện rõ ràng. WH2 cho một dải mid khá thoáng, giọng ca sĩ ở mức trung tính, không quá tiến cũng không quá lùi, nhạc cụ đánh chắc, không bị mỏng tiếng. Ở phần high-mid có năng lượng tốt, thể hiện nhạc cụ với độ chính xác cao. Chi tiết và tách bạch ở phần mid có thể nói là một trong những điểm rất đáng tiền của WH2.

Treble có độ vang tốt, không quá chói gắt cũng như ít sib. Bộ cymbal trên dàn trống thể hiện khá chính xác, tuy nhiên có hơi mỏng và chưa được đã tai.

Âm trường ở mức tầm trung, không quá rộng cũng không quá hẹp, đủ thể hiện.

  • Phân tần mức 10000Hz.

Khi chỉnh về mức 10000Hz thì chúng ta sẽ được một chất âm trầm ấm hơn. Với phần high-mid và treble được đánh gọn hơn khá nhiều. Phần sub và mid-bass bây giờ nổi bật hơn, lượng nhiều hơn. Trong khi sở hữu một chất âm ấm hơn, với treble đỡ gắt hơn thì chúng ta phải hy sinh một số chi tiết sẽ không được rõ ràng như ở mức 18500Hz. Âm trường không còn thoải mái như trên và cảm giác sân khấu hơi hẹp. Nếu chúng ta thật sự muốn có thêm một chút bass nhưng vẫn giữ lại một số chi tiết ở mid và treble thì có lẽ mức phân tần 14500Hz sẽ hợp lý hơn.

  • Phân tần mức 5000Hz.

Sau khi trải nghiệm mức 18500Hz và 14500Hz thì thật sự là đôi tai của mình đã từ chối phần trải nghiệm mức 5000Hz này. Sân khấu khá hẹp, chi tiết nhạc cụ khá dính và không còn độ chính xác cao. Tiếng mid được nâng dày quá tạo cảm giác không chân thực và một số chi tiết ở high-mid bị bóp quá mức. Treble roll-off gần như là rất sớm, không để lại một chút chi tiết nào. Với việc sub-bass được boost quá nhiều nhưng bù lại chúng ta mất quá nhiều chi tiết ở mid và treble thì hoặc là bạn cực thích chất âm siêu thiên tối và gọt treble, ngoài ra mức phân tần 5000Hz này không được khuyến khích một chút nào.

TỔNG KẾT

Với Hiby WH2 thì HiBy đã mang lại cho chúng ta một trong những tai nghe TWS đầu tiên trên thế giới sở hữu codec LDAC và mang lại một chất âm rất tuyệt vời. Phong cách thiết kế HiBy áp dụng cho cả tai nghe và hộp sạc là rất tinh tế. Với việc đi kèm codec LDAC thì thời lượng pin nằm ở mức khá hài lòng. 

Việc Hiby mang lại trải nghiệm thay đổi chất âm theo ý muốn trên Hiby WH2 là một điểm cộng rất lớn. Tuy nhiên chắc do quá tập trung vào phần chất âm nên những tính năng đang dần trở thành tiêu chuẩn như chuẩn chống nước, kháng bụi hoặc chống ồn ANC lại không xuất hiện trên WH2. Nhưng dù vậy thì chất âm WH2 mang lại cũng biến nó thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường.

Nguồn: Headfonia.com

[Products:3718]

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất