Tai nghe không dây hay có dây : Lựa chọn nào dành cho bạn?

Tai nghe không dây hay có dây : Lựa chọn nào dành cho bạn?

Cập nhật : 28-12-2019, 5:02 pm - Lượt xem : 49.710

Tai nghe không dây đang trở nên phổ biến và rất dễ tiếp cận trong thời gian gần đây. Bạn đang phân vân giữa việc lựa chọn tai nghe có dây và không dây do chưa hiểu rõ về bản chất và mục đích sử dụng của chúng.

Bài viết này sẽ chỉ ra rõ sự khác biệt giữa tai nghe không dây và tai nghe có dây truyền thống, giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất với nhu cầu của chính mình. 

 

Câu hỏi 1 : Để bắt đầu, chúng ta cần hiểu

TAI NGHE CÓ DÂY VÀ KHÔNG DÂY KHÁC NHAU THẾ NÀO?

 Về định nghĩa:

- Tai nghe có dây : là tai nghe kết nối trực tiếp với nguồn phát thông qua dây và giắc cắm. 

- Tai nghe không dây : là tai nghe kết nối với nguồn phát thông qua sóng vô tuyến không dây. Trên tai nghe không dây vẫn có thể xuất hiện dây dẫn để truyền tín hiệu từ bảng mạch tới 2 bên tai. 

 

Muốn hiểu rõ nhất bản chất, chúng ta sẽ bắt đầu từ nguyên lý hoạt động của chúng. 

 

Tai nghe có dây cấu tạo chỉ gồm 2 thành phần chính : Dây dẫn và loa (hay còn gọi là driver). 

 

tai nghe có dây

 

(Có thể gặp một số loại tai nghe tích hợp thêm microphone nữa nhưng nó vẫn là phần bổ trợ nên tôi sẽ không liệt kê để tránh gây loãng thông tin)

 

Dây tai nghe đóng vai trò làm vật truyền dẫn tín hiệu dao động điện (Analog) từ nguồn phát là máy nghe nhạc, điện thoại...tới thẳng driver trên tai nghe và làm màng loa rung lên. Nhờ đó mà ta có thể nghe được âm thanh của tai nghe. 

 

 

Có dây

Không dây

Cấu tạo phần cứng

Dây dẫn + Loa (Drivers)

Pin + chip điều khiển + drivers

Nguyên lý hoạt động

Truyền dẫn tín hiệu analog trực tiếp từ nguồn phát tới driver làm rung màng loa.

Thu tín hiệu số qua sóng vô tuyến, giải mã tín hiệu, khuếch đại tín hiệu, truyền tới driver làm rung màng loa.


Tai nghe không dây
là một sản phẩm được tích hợp rất nhiều công nghệ hiện đại nên có cấu tạo phức tạp hơn. Vì chúng không thể lấy tín hiệu dao động điện từ nguồn phát nên chúng bắt buộc phải có phần riêng để tạo ra các tín hiệu dao động điện đó. Ở đây chính là Mạch điều khiển và pin để nuôi hệ thống hoạt động.

 

“Trên thực tế, có rất nhiều công nghệ truyền dẫn âm thanh không dây nhưng thường gặp nhất trong thực tế hằng ngày vẫn là công nghệ Bluetooth. Do đó chúng ta sẽ tập trung chính vào cấu tạo của các thiết bị này.”

 

Đi sâu hơn vào mạch điều khiển: Nó sẽ gồm 3 thành phần chính :

Mạch thu tín hiệu, cụ thể ở đây là tín hiệu Bluetooth. Sau khi thu tín hiệu dưới dạng số hoá, tín hiệu sẽ được gửi tới mạch DAC để giải mã.

 

tai nghe không dây

 

Mạch DAC này có nhiệm vụ chuyển tín hiệu số 01010 thành tín hiệu dao động điện. 

 

 

Tiếp đến là mạch ampli để khuếch đại dòng điện lên cường độ lớn và truyền tới driver làm rung màng loa. Lúc đó ta mới có thể nghe được âm thanh. 

 

Câu hỏi 2: Có phải

TAI NGHE CÓ DÂY LUÔN HAY HƠN TAI NGHE KHÔNG DÂY?

Câu hỏi nghe có vẻ hơi ngô nghê này thực tế lại đúng trong đa số các trường hợp. Trong cùng một phân khúc giá, câu hỏi này lại càng được khắc họa một cách rõ nét hơn. Tại sao vậy?

 

Dưới góc độ kinh tế.

Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, do cấu tạo phần cứng, nguyên lý hoạt động của tai nghe Bluetooth phức tạp và yêu cầu rất nhiều công nghệ. Đương nhiên chúng ta khi mua sản phẩm sẽ là người bỏ tiền ra để trả luôn cho cả những công nghệ tích hợp đó. Trong khi âm thanh trên tai nghe có dây chỉ được quyết định bởi 2 yếu tố : dây dẫn và drivers. Bạn sẽ dồn tiền hết vào 2 cái thành phần tối

 

Dưới góc độ kỹ thuật.

Tai nghe có dây bạn có thể nâng cấp nguồn phát, nâng cấp dây dẫn để có hiệu suất hoạt động cao nhất có thể. Không có giới hạn nào về âm thanh khi sử dụng một chiếc tai nghe có dây. 

 

Trong khi đó, Tai nghe không dây bị giới hạn bởi rất nhiều về mặt kỹ thuật. 

Đầu tiên là tín hiệu đầu vào. File nhạc số gốc có thể là lossless nhưng khi truyền qua tín hiệu Bluetooth bắt buộc phải bị nén lại làm giảm chất lượng để có thể gửi qua sóng một cách liên tục không ngắt quãng. Chính điều này đã làm giảm chất lượng âm thanh đáng kể so với file nhạc gốc ban đầu. Hiện tại, nhờ sự xuất hiện của Bluetooth 5.0 và codec nén tiên tiến hơn như LDAC, UAT, HWA thì âm thanh theo lý thuyết đã có thể tiệm cận với chuẩn lossless. Tuy nhiên thì những tai nghe có hỗ trợ các chuẩn cao cấp này vẫn có giá khá đắt đỏ. 

 

 

Tiếp đến, DAC/AMP tích hợp trên chipset Bluetooth chỉ làm nhiệm vụ cơ bản. Chúng không thể có hiệu suất hoạt động cao, có khả năng tái tạo chi tiết tốt, độ động, tách lớp như những chip DAC, AMP riêng biệt như trên các nguồn phát có dây được. Thế nên dù có dùng các loại driver cao cấp đến thế nào nhưng khi so sánh với các tai nghe có dây dùng nguồn phát tốt, tai nghe không dây vẫn sẽ bị thua kém về chất lượng âm thanh. 

 

Trong tương lai, khi công nghệ phát triển hơn. Băng thông và tốc độ kết nối không dây được mở rộng. Việc truyền dẫn tín hiệu lossless trực tiếp qua sóng Bluetooth là điều hoàn toàn khả thi. Do đó thực tại mà tai nghe Bluetooth nghe hay như tai nghe có dây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ có điều chúng sẽ không hề có giá dễ chịu mà thôi.

 

Câu hỏi 3: Tại sao

TAI NGHE KHÔNG DÂY LẠI LUÔN CÓ ĐỘ TRỄ CÒN TAI NGHE CÓ DÂY THÌ KHÔNG?

Để truyền tín hiệu âm thanh qua sóng không dây Bluetooth. Chúng ta cần 1 thiết bị thu và một thiết bị phát. 

Thiết bị phát đóng vai trò chuẩn bị hàng hoá(nén file, mã hoá file theo codec Bluetooth), đóng gói hàng hoá (chia nhỏ gói tin) và gửi hàng hoá qua sóng không dây. 

 

 

Thiết bị thu, ở đây là tai nghe Bluetooth sẽ tiếp nhận hàng hoá, sắp xếp lại hàng hoá và gửi hàng hóa tới bộ phận DAC/AMP. BỘ phận này phiên dịch và điều khiển màng loa rung theo ý mình. 

 

Như các bạn có thể thấy, đường đi của âm thanh qua sóng Bluetooth không hề đơn giản. Chúng qua rất nhiều công đoạn trung gian, đó chính là lý do tại sao tai nghe Bluetooth luôn có độ trễ. 

 

Không phải không có cách để làm giảm độ trễ. Cái gì càng nhẹ sẽ đi càng nhanh. Cái gì làm qua loa cũng sẽ tiết kiệm thời gian. Làm giảm chất lượng file nhạc nén là một cách làm thường được sử dụng để giảm độ trễ trên các thiết bị Bluetooth. Nhưng điều đó lại kéo theo chất lượng âm thanh sẽ bị giảm xuống. Giảm thời gian sắp xếp hàng hóa (buffering) cũng làm tăng hiện tượng giật cục âm thanh do tín hiệu gửi tới DAC/AMP bị khuyết thiếu.

 

Trong khi đó, đường đi của tai nghe có dây ngắn hơn rất nhiều. File nhạc gốc gửi đến DAC/AMP và đến thẳng tai nghe. Độ trễ theo lý thuyết là vẫn tồn tại nhưng chúng chỉ rơi vào một vài phần nghìn giây nên chúng ta không thể cảm nhận được. Do đó tai nghe có dây vẫn là lựa chọn lý tưởng nhất cho những công việc yêu cầu độ trễ bằng không. 

 

Câu hỏi 4: Nghe có vẻ như tai nghe không dây là một bước cải lùi, có phải vậy không? Thực tế là

TAI NGHE KHÔNG DÂY ĐANG ĐƯỢC LỰA CHỌN NHIỀU HƠN TAI NGHE CÓ DÂY!

Sự tiện lợi! 

Không phải ai cũng có đôi tai khó chiều, không phải ai cũng có thời gian mày mò về kỹ thuật, thông số và phối ghép. Vậy thì còn gì tuyệt vời hơn một chiếc tai nghe Bluetooth chứ. 

 

 

Chúng không bao giờ bị đứt ngầm dây, tôi dám cá với bạn điều đó. Sẽ chẳng còn cái cảnh dây dắt vào khoá cửa, lo bị mèo cào, phải gỡ dây trước khi nghe vì rối dây, bị đứt ngầm giắc… Mọi phiền toái đó sẽ đều được giải quyết với một chiếc tai nghe Bluetooth.

 

 

Chúng không bao giờ cản trở bạn. Bạn có thể đeo tai nghe và hoạt động thoải mái mà không cần kè kè máy nghe nhạc hay điện thoại ở bên cạnh. Mới đây, một loại tai nghe không dây mới với tên gọi True Wireless còn nâng sự tự do của tai nghe Bluetooth lên một tầm cao mới. Tai nghe không dây giờ đây đã vô cùng nhỏ gọn và không có một chút dây dợ nào nữa. 

 

 

Tai nghe không dây hiện nay không chỉ đơn giản là để nghe nhạc, chúng còn được tích hợp rất nhiều công nghệ hữu ích cho người dùng. Ví dụ như khả năng chống ồn chủ động, khả năng chống nước, khả năng theo dõi sức khỏe khi luyện tập thể thao, trợ lý ảo thông minh, tự động bật tắt nguồn, ra lệnh bằng giọng nói, lọc ồn kỹ thuật số…

 

Về âm thanh, tuy rằng hiện tại tai nghe Bluetooth chưa thể sánh ngang được với tai nghe có dây ở độ chi tiết và sự chính xác. Tuy nhiên với người dùng phổ thông thì âm thanh của chúng vẫn quá đầy đủ để thưởng thức âm nhạc và thư giãn. Ngoài ra, một số tai nghe có hỗ trợ các chuẩn codec cao cấp như LDAC, HWA, UAT, được tích hợp DAC/AMP rời thì vẫn cho chất lượng âm thanh ở mức rất ấn tượng, không thua kém quá nhiều với các tai nghe có dây. 

 

Câu hỏi 5 : Có khi nào

TAI NGHE VỪA KHÔNG DÂY LẠI VỪA CÓ DÂY?

Có chứ, các nhà sản xuất hiện nay rất hiểu nhu cầu khách hàng của mình. Một số mẫu tai nghe Bluetooth hiện nay cho phép bạn cắm cả dây để sử dụng như một tai nghe có dây thực thụ. Tiêu biểu là các mẫu Sony WH1000XM3, Bose QC35II, JBL BT65NC...

 

 

Một số khác thì lại giúp bạn biến tai nghe có dây thành tai nghe không dây chỉ trong nháy mắt. Đó là các mẫu tai nghe có khả năng tháo rời dây dẫn như Oriolus Finschi hay KZ. Chỉ cần mua thêm một dây thu Bluetooth và gắn nó với với Housing của tai nghe, chúng ta sẽ có một chiếc tai nghe Bluetooth thực thụ.

Với các phương án này, có vẻ như tai nghe có dây và không dây không còn cố định trong một hình thái như ngày trước nữa. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề vẫn không hề thay đổi, tai nghe có dây vẫn luôn tối ưu nhất cho âm thanh còn tai nghe Bluetooth thì tối ưu cho sự tiện lợi.

 

KẾT LUẬN

 

Nếu bạn chọn sự tiện lợi và không đặt nặng tiêu chí âm thanh, Tai nghe không dây rõ ràng là một lựa chọn sáng suốt tuyệt vời.

 

Còn nếu là bạn là một người đam mê âm thanh thực thụ, đang trên đường trở thành audiophiles thì còn chần chờ gì mà không chọn ngay một chiếc tai nghe có dây thật hay nhỉ. 

by D4vid

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

avatar
HUY NGUYEN

tốt và chi tiết

(22/042021 20:50)
Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất