Ngay khi Airpods Pro được công bố chính thức với tính năng chống ồn chủ động, đã có rất nhiều người nghĩ ngay đến việc so sánh chiếc tai nghe này với chiếc tai nghe True Wireless chống ồn mạnh nhất thế giới hiện tại - Sony WF-1000XM3. Và để giải đáp thắc mắc đó một cách nhanh chóng nhất, mình đã mượn được chiếc Airpods Pro từ Xuân Vũ Audio để làm bài test nhanh hai chiếc tai nghe này. Giờ thì bắt đầu nào.
Đặt cạnh Airpods Pro, Sony WF-1000XM3 tỏ ra đồ sộ và vạm vỡ hơn khá nhiều. Kể cả đối với case sạc hay phần housing của tai nghe, WF-1000XM3 của Sony đều to hơn đáng kể so với Airpods Pro.
Vậy thì, khi trên tai thì sao. Thiết kế có phần cán dài ra của Airpods Pro có vẻ không được gọn gàng lắm khi so với WF-1000XM3. Chiếc tai nghe của Sony nằm trọn vẹn và gọn gàng với mặt faceplate hình elip ở bên ngoài, phần chồi ra khỏi tai là không đáng kể.
Về cảm giác đeo, Airpods Pro đem lại trải nghiệm của tai nghe inear tuyệt vời nhất trên tai nghe True Wireless mà mình từng trải nghiệm. Nó nhẹ, nằm ổn định trên tai, cảm giác thoải mái và vô cùng dễ chịu. Chắc chắn về độ thoải mái, Airpods Pro nhỉnh hơn Sony WF-1000XM3 một bậc. Sony WF-1000XM3 không phải là khó chịu mà chỉ đơn giản là chưa dễ chịu như Airpods Pro mà thôi.
Đương nhiên đối với những ai là fan nhà táo thì sẽ chẳng có vấn đề gì với việc tương thích và phụ kiện của Airpods Pro cả. Tuy nhiên với những người dùng Android thì việc sử dụng các thiết bị của Apple luôn gặp phải đôi ba rào cản. Các tính năng điều khiển sẽ không được hỗ trợ đầy đủ. Phần cổng sạc sử dụng chuẩn Lightning độc quyền. Phần eartips cũng hiện chỉ có duy nhất Apple sản xuất.
Với Sony WF-1000XM3, mọi thứ sẽ dễ thở hơn khi Sony trang bị ứng dụng đi kèm trên cả Android và iOS. Các thao tác kết nối sử dụng không hề có sự phân biệt giữa các hệ điều hành. Phụ kiện của WF-1000XM3 rất dễ tìm từ cáp sạc Type-C cho đến eartips nâng cấp.
Để điều khiển Airpods Pro, bạn bắt buộc phải rờ tay và bóp chính xác vị trí đuôi cán của tai nghe. Cách thức điều khiển này làm độ chính xác khi thao tác với tai nghe được tăng lên gần như tuyệt đối, không có hiện tượng tap nhầm tự động nhảy bài như trên Airpods phiên bản trước. Tuy nhiên, với trải nghiệm nhanh của mình thì cách điều khiển này khá rối rắm và không tiện lợi. Có thể phải mất một thời gian làm quen nữa mình mới có thể định vị chính xác phần cần bóp trên tai nghe còn hiện tại, mỗi lần muốn dừng phát nhạc là mình lại phải rờ tay mất mấy giây để tìm chỗ bóp.
Đối với Sony WF-1000XM3, thao tác điều khiển đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Tất cả việc bạn cần làm là chạm và mặt faceplate.
Về độ chống ồn, mình có thực hiện kiểm tra nhanh cả 2 chiếc tai nghe ở ngoài môi trường là ngoài đường và trong nhà. Kết luận ban đầu của mình là Sony WF-1000XM3 cho khả năng chống ồn nhỉnh hơn so với Airpods Pro nhưng khoảng cách không thực sự quá khác biệt. Nếu như ở trong môi trường nhiều tiếng ồn như ngoài đường thì WF-1000XM3 xử lý tạp âm tốt hơn, cho nền tĩnh hơn thì khi vào trong nhà, khoảng cách của 2 chiếc tai nghe gần như được san bằng.
Tuy nhiên, Tính năng chống ồn trên WF-1000XM3 của Sony không đơn thuần là tắt bật như trên Airpods Pro. Với phần mềm Headphone Connect đi kèm, tính năng chống ồn của WF-1000XM3 sẽ tự động nhận diện môi trường và điều chỉnh thông minh mức độ chống ồn của tai nghe. Điều mà Airpods Pro hiện không thể làm được.
Phần mềm đi kèm Headphone Connect của Sony được trang bị đến tận răng, mang đến khả năng tùy biến tuyệt vời cho Sony WF-1000XM3. Bạn có thể tùy chỉnh mức độ chống ồn, bật tắt chế độ nghe âm thanh xung quanh, chỉnh EQ, chọn codec phát nhạc… Đặc biệt, một tính năng mới được thêm vào có tên 360 Reality Audio được đưa vào WF-1000XM3 khiến trải nghiệm âm thanh của chiếc tai nghe này chân thực đáng kinh ngạc.
Nhìn sang Airpods Pro, rất nhiều tính năng hay ho có thể làm người dùng bị rối trí. Apple đã chọn cách khôn ngoan là đi theo phong cách tối giản. Vừa đỡ mất nhiều công xây dựng, vừa tối ưu cho số đông người dùng. Tất cả những gì bạn có thể làm với Airpods Pro hiện tại là chuyển qua lại giữa các chế độ Chống ồn và Nghe âm thanh xung quanh. Thêm vào đó là một phần cài đặt nhỏ để kiểm tra độ fit của tai nghe. Bạn sẽ không có các tính năng thông minh hay các tùy chỉnh nâng cao trên chiếc tai nghe này.
Đánh giá sơ bộ của mình về chất âm của Airpods Pro là ấm áp, khá trong trẻo và dễ nghe. Tuy nhiên khi so sánh với Sony WF-1000XM3 thì vẫn chiếc tai nghe của Apple vẫn xếp dưới một bậc.
Tiếng bass của Sony WF-1000XM3 đánh nhanh, gọn, tròn trịa và xuống sâu hơn rõ ràng so với Airpods Pro. Airpods Pro có dải âm trung khá mượt mà, ấm áp, chi tiết khá ổn nhưng vẫn thua về độ chi tiết cũng như độ tự nhiên trong âm sắc của các nhạc cụ khi so với chiếc tai nghe của Sony. Dải cao thì WF-1000XM3 thể hiện được nhiều chi tiết hơn, nghe tơi và giòn hơn so với tai nghe của Apple.
Nguyên nhân của sự chênh lệch có thể giải thích được và có lẽ hẹn các bạn ở bài đánh giá chi tiết, mình sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này.
Tại Việt Nam, Sony WF-1000XM3 được niêm yết với giá 5.490.000 đồng. Hiện vẫn chưa có giá bán chính thức từ Apple Việt Nam nhưng giá ở thị trường xách tay thì Airpods Pro dao động khoảng 7,5 triệu đồng. Rõ ràng là một khoảng chênh lệch không hề nhỏ.
Về chính sách bảo hành và hỗ trợ. Sony Việt Nam có mạnh lưới bảo hành rộng khắp toàn quốc, bảo hành 1 đổi 1 trong suốt thời gian bảo hành nếu có lỗi của nhà sản xuất.
Đối với Apple, hiện tại chỉ có một số trung tâm bảo hành uỷ quyền tại các thành phố lớn, thời gian bảo hành thường kéo dài hơn do phải xác nhận qua nhiều khâu trung gian.
KẾT LUẬN
Vừa rồi là những đặc điểm khác biệt nổi bật nhất mà mình thấy trên 2 chiếc tai nghe đình đám này. Đây mới chỉ là bài đánh giá nhanh, bài đánh giá chi tiết mình sẽ gửi đến các bạn trong thời gian tới. Cảm ơn cửa hàng Xuân Vũ Audio đã cho mình mượn 2 chiếc tai nghe này.
D4vid
[Products:2571,2440]