Trong khoảng 10 năm trở lại đây, máy tính ngày càng được sử dụng nhiều để làm nguồn phát cũng như lưu trữ nhạc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thiết bị này.
Nếu đã từng có ý định sử dụng máy tính làm nguồn phát nhạc chuyên dụng, chắc hẳn người dùng sẽ gặp phải rất ý kiến trái ngược nhau. Trong nhiều năm qua, các tín đồ âm thanh đã từng đưa ra những ý kiến như sau:
· Máy tính sử dụng cơ chế sửa lỗi (error correction), vì thế nâng cấp nguồn điện không tạo ra sự khác biệt.
· Nếu như cổng USB đầu vào là dạng bất đồng bộ (asynchronous), mọi nhiễu jitter và lỗi đọc bit dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
· Nếu như đầu ra của máy tính được đếm xung lại (reclock), mọi nhiễu jitter và lỗi đọc bit dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
· Nếu như phần mềm chơi nhạc được tạo bộ nhớ đệm (buffer) trên RAM, mọi tín hiệu đầu ra từ máy tính đều là bit-perfect.
· Pin/ắc quy đều là nguồn thuần dòng một chiều, điều này khiến chúng trở thành nguồn cấp điện tối ưu cho bất cứ thiết bị nào.
· Các nguồn cấp điện dạng siêu tụ (Super Cap) không kết nối với lưới điện xoay chiều, vì thế chúng tạo ra nhiễu ồn ở mức thấp nhất.
· Càng nâng độ phân giải lên cao bao nhiêu, nhạc sẽ càng nghe hay bấy nhiêu.
· CPU càng nhanh, độ phân giải càng cao thì nhạc sẽ càng hay.
Dù cho các nhận định trên vẫn có một chút yếu tố nền tảng là sự thật, chúng đều chưa thực sự hoàn thiện, thậm chí còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau. Loạt bài viết này chính là để giải thích cũng như giúp người đọc hiểu hơn về những ngộ nhận trên. Lưu ý rằng vì mục đích phổ biến đến hầu hết người đọc, một số khái niệm và kiến thức sẽ được đơn giản và khái quát hóa.
Trước khi nghiên cứu sâu hơn, chúng ta cần xác định lại khái niệm “bit perfect” để độc giả không bị nhầm lẫn. Thuật ngữ “bit perfect” là một thuật ngữ kỹ thuật dùng để mô tả các dạng giao tiếp digital bao gồm một chuỗi quá trình kiểm thử và sửa sai, đảm bảo rằng dữ liệu nhận được ở thiết bị thu sẽ giống như dữ liệu truyền đi từ nguồn phát. Điều này cho phép người dùng tải một file về từ một server ở một nơi rất xa mà vẫn đảm bảo rằng dữ liệu được gửi về máy tính giống như dữ liệu ban đầu.
Tất nhiên, không như hầu hết quá trình truyền phát dữ liệu khác, file nhạc thường được chơi trong thời gian thực. Vậy nên nếu sử dụng các thiết bị giao tiếp digital (chẳng hạn như streamer, modem hay router) vốn có khả năng quét và sửa lỗi, chúng sẽ không có thời gian để làm điều đó, dẫn đến việc các dữ liệu bị lỗi vẫn giữ nguyên và được gửi ngay tới thiết bị tiếp theo.
Khi thuật ngữ “bit perfect” được dùng để nói về phần mềm, nó có thể hơi dễ gây hiểu nhầm chút, vì “bit perfect” ám chỉ bất cứ thứ gì xuất ra từ máy tính đều không bị thay đổi so với dữ liệu của file nhạc gốc. Trường hợp này thì không như vậy. Bit perfect khi nói về phần mềm chơi nhạc lại mang nghĩa là phần mềm chơi nhạc sẽ không thay đổi dữ liệu một cách có chủ đích trước khi giải mã và stream chúng.
Nếu như phần mềm chơi nhạc quả thực đảm bảo được rằng dữ liệu xuất khỏi máy không xuất hiện lỗi bit, vậy tất cả các phần mềm chơi nhạc bit perfect sẽ phải có chất âm giống nhau. Thế nhưng điều này chưa từng xảy ra. Chính xác hơn, một phần mềm chơi nhạc có thể hoạt động ở chế độ bit perfect, lúc này sẽ không có bất cứ thuật toán nào được sử dụng để thay đổi dữ liệu nhạc gốc.
Mọi giao tiếp của máy tính đều phải trải qua một hệ thống kiểm thử và sửa lỗi (check sum). Nếu như có một gói dữ liệu không đạt yêu cầu, một gói dữ liệu mới sẽ được gửi đi để thay thế. Độ nhiễu ồn của nguồn điện càng thấp, lượng lỗi dữ liệu cũng sẽ giảm đi, từ đó lượng dữ liệu cần thay thế cũng sẽ ít dần, tiết kiệm được một lượng tài nguyên để dành cho các tác vụ khác.
Có thể thấy một nguồn điện sạch hơn cũng đem đến hiệu quả giống như việc xử dụng bộ xử lý nhanh hơn, ổ cứng quay với tốc độ cao hơn hay có nhiều RAM hơn. Khi trang bị nguồn nhiễu ồn thấp cho music server dựa trên nền tảng máy tính, kết quả là chất lượng âm thanh sẽ được cải thiện với độ chi tiết, độ sâu và độ động tốt hơn.
Cũng cần lưu ý rằng các bộ nguồn chuyển mạch phát ra một lượng nhiễu ồn rất lớn, ảnh hưởng đến tín hiệu ở bất cứ dây cáp hay thiết bị nào trong phạm vi gần, đồng thời cũng tác động đến mạch điện xoay chiều của bất cứ thiết bị nào cắm chung cùng mạng điện lưới.
Nguồn : Nguyễn Hào - Tạp Chí Hifi