Driver tai nghe là gì? Các loại driver phổ biến

Driver tai nghe là gì? Các loại driver phổ biến

Cập nhật : 14-11-2024, 2:23 pm - Lượt xem : 11.246

Driver (trình điều khiển) là bộ phận quan trọng nhất của tai nghe, vì chất lượng và cách điều chỉnh của chúng sẽ quyết định đến chất lượng âm thanh cuối cùng. Hôm nay trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận về định nghĩa driver tai nghe là gì? Các loại driver phổ biến và ưu nhược điểm của từng loại.

Định nghĩa driver tai nghe là gì?

Driver (hay còn gọi là trình điều khiển) là bộ phận quan trọng nhất của tai nghe (thực chất nó là một chiếc loa nhỏ), chịu trách nhiệm chuyển đổi tín hiệu điện thành sóng âm mà tai người có thể hiểu được. Thông thường, driver trong tai nghe sẽ có 3 thành phần chính: Nam châm, cuộn cảm (voice coil) và màng loa. Một chiếc tai nghe có thể có 1, 2, 3, 10, 12 hoặc nhiều driver tùy theo từng loại.

Nam châm: Chịu trách nhiệm tạo ra từ trường, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh tổng thể của tai nghe. Có hai loại nam châm được sử dụng chủ yếu là: Neodymium và Ferrite.

* Neodymium là một trong những loại nam châm mạnh nhất hiện có, với một số ưu điểm như sau:

  • Nhỏ và nhẹ hơn. Đó là lý do vì sao chúng thường được sử dụng nhiều
  • Tạo ra nhiều năng lượng hơn Ferrite, Cobalt, Nhôm và một số loại nam châm khác
  • Tiêu thụ ít năng lượng hơn và tạo ra độ nhạy cao hơn
  • Tiết kiệm chi phí giúp tai nghe có giá cả phải chăng hơn.

Cuộn cảm: Di chuyển màng loa để tạo ra âm thanh khi có dòng điện đi qua chúng. Cuộn cảm càng lớn thì càng tạo ra âm thanh to và ít biến dạng hơn. Tuy nhiên cũng đồng nghĩa với việc driver sẽ nặng và tốn kém hơn nhiều.

Màng loa: Là bộ phận dao động để tạo ra sóng âm. Lưu ý rằng chất liệu của màng loa cũng ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Ví dụ: Màng loa làm bằng giấy hoặc nhựa sẽ tạo ra âm thanh trầm ấm. Màng loa kim loại sẽ tạo ra âm thanh sáng và chi tiết hơn. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều khả năng bị biến dạng ở âm lượng lớn.

Kích thước driver ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh như thế nào?

Driver tai nghe in-ear/earbud thường có đường kính từ 8-15mm, trong khi driver tai nghe headphone sẽ dao động từ 20-50mm. Driver lớn hơn sẽ tạo ra sóng âm thanh mạnh hơn (đặc biệt là ở âm bass/subbas), nhưng điều này không có nghĩa là chúng cho âm thanh hay hơn. Ví dụ: có một số dòng tai nghe IEM monitor sẽ cho âm thanh hay hơn fullsize.

Số lượng driver tai nghe có quyết định chất lượng âm thanh không?

Nó phụ thuộc vào chất lượng của driver. Chẳng hạn như đó là driver có chất lượng kém thì dù cho có nhiều driver như thế nào đi chăng nữa thì âm thanh cũng không thể tốt được. Ngược lại, nếu các driver có chất lượng tốt và được đặt đúng cách thì càng nhiều driver sẽ đồng nghĩa với việc âm thanh sẽ tốt hơn.

* Bạn có thể hiểu một cách đơn giản rằng: Nếu một chiếc tai nghe có 3 driver được chế tạo kém, thì nó sẽ không thể so sánh được với một tai nghe sử dụng duy nhất 1 driver được chế tạo tốt.

Các loại driver tai nghe phổ biến

Có nhiều loại driver khác nhau hiện đang được sử dụng, chẳng hạn: Dynamic, Balanced Amature, Planar, Electrostatic,.. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm, ưu và nhược điểm riêng mà chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ở phần dưới đây:

Driver Dynamic (trình điều khiển động)

Hãy bắt đầu với cái cơ bản nhất và cũng là cái được sử dụng nhiều nhất. Mỗi củ loa Dynamic sẽ bao gồm ba thành phần quan trọng: cuộn cảm (voice coil), màng loa gắn với cuộn cảm và nam châm (điển hình là neodymium).

Nguyên lý hoạt động

Cuộn cảm nằm bên trong một nam châm luôn có từ trường và khi tín hiệu điện được đưa vào cuộn cảm, nó sẽ trở thành điện từ. Do đó, sự tương tác đẩy/kéo liên tục giữa cuộn cảm và nam châm bắt đầu, khiến cuộn cảm bắt đầu chuyển động nhanh chóng. Vì cuộn cảm được nối với màng loa nên hiển hiên nó cũng khiến màng loa chuyển động, từ đó tạo ra sóng âm.

Ưu điểm

  • Là loại dễ sản xuất nhất và rẻ nhất
  • Tạo ra âm thanh trung thực, giống như loa trong phòng với âm trầm sâu và mạnh, dải động tuyệt vời.
  • Mức tiêu thụ điện năng tương đối thấp

Nhược điểm

  • Dễ bị biến dạng ở âm lượng cao
  • Trọng lượng nặng hơn so với các trình điều khiển khác

[Products:5857, 5808, 5799, 5605, 4302, 4958]

Driver Balanced Armature (trình điều khiển BA / phần ứng cân bằng)

Loại driver này có kích thước rất nhỏ nên chúng thường được sử dụng trong các dòng tai nghe in-ear monitor hoặc earbud. Có thể là một hoặc kết hợp nhiều driver khác nhau, mỗi driver sẽ đảm nhiệm một vùng tần số cụ thể.

Cấu trúc của một driver BA bao gồm 4 thành phần chính: thanh kim loại (gọi là arm); cuộn dây (cuốn quanh thanh kim loại), nam châm và màng loa

Nguyên lý hoạt động

Cuộn dây sẽ được quấn quanh thanh kim loại (hay còn gọi là arm) và đặt cân bằng giữa hai nam châm. Arm được nối với màng loa. Khi dòng điện chạy qua cuộn dây, nó sẽ tạo ra từ trường tương tác với các nam châm này, làm cho arm dao động. Vì màng loa được nối với arm nên nó sẽ chuyển động đồng bộ với arm, từ đó tạo ra sóng âm.

Ưu điểm

  • Khả năng tái tạo âm thanh chính xác và chi tiết
  • Kích thước nhỏ hơn driver Dynamic nên rất lý tưởng để sử dụng trong các dòng tai nghe in-ear monitor/earbud
  • Không có lỗ thông hơi giúp cách ly tiếng ồn bên ngoài
  • Có thể được điều chỉnh theo các dải tần số cụ thể, cho phép điều chỉnh chất âm tốt hơn.

Nhược điểm

  • Đắt hơn và không thể tạo ra nhiều âm trầm như driver Dynamic

[Products:5193, 3455, 5486, 6151, 5806, 5499]

Driver Planar Magnetic (trình điều khiển từ tính phẳng)

Ít phổ biến hơn và đắt tiền hơn Dynamic, song Planar Magnetic (Planar) lại thường được tìm thấy ở các dòng tai nghe cao cấp trên thị trường, có thể là chụp tai dạng open-back hoặc một số mẫu IEM.

Nguyên lý hoạt động

Driver Planar Magnetic hoạt động tương tự như driver Dynamic. Cả hai đều sử dụng từ trường để tạo ra âm thanh. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là driver Planar Magnetic không sử dụng màng loa hình nón mà là màng loa phẳng siêu mỏng (được đặt giữa các nam châm). Ngoài ra, nó cũng không dùng cuộn cảm để di chuyển màng loa mà dùng dây dẫn điện phẳng giữa hai nam châm. Trường do nam châm tạo ra sẽ trực tiếp kích hoạt màng loa để tạo ra âm thanh.

Ưu điểm

  • Cung cấp âm thanh chi tiết, chính xác
  • Độ méo thấp hơn
  • Âm trầm sâu và mạnh mẽ

Nhược điểm

  • Kích thước của driver khá lớn nên tai nghe sẽ nặng và cồng kềnh
  • Thường yêu cầu sử dụng thêm các bộ khuếch đại (amp) để đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất

[Products:5706, 3308, 3974, 5301, 5449]

Driver Electrostatic (trình điều khiển tĩnh điện)

Driver Electrostatic (EST) ít phổ biến hơn cả do mức giá rất đắt, quy trình sản xuất phức tạp và khá khó kéo (cần phải có các thiết bị ampli chuyên nghiệp và đắt tiền). Nhưng bù lại, những chiếc tai nghe loại này lại có chất lượng âm thanh phải nói là “đỉnh” nhất. “Đỉnh” ở đây có nghĩa chất tiếng cực kỳ chi tiết với âm trung tự nhiên và hoàn toàn không bị méo tiếng.

Cấu trúc của một driver Electrostatic gồm những thành phần sau: Một màng ngăn mỏng làm từ polyetylen terephthalate (còn được gọi là nhựa PET) được phủ một lớp màng kim loại tích điện thậm chí còn mỏng hơn. Thứ hai là stato (hai tấm kim loại có khe hở nhỏ / tấm dẫn điện)

Nguyên lý hoạt động

Màng ngăn nằm giữa các điện cực (tấm dẫn điện / stato). Khi dòng điện đi qua các điện cực, chúng tạo ra điện trường, từ đó di chuyển màng loa tới lui theo nguồn cung cấp dòng điện. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển không khí và tạo ra âm thanh.

Ưu điểm

  • Đáp ứng tần số rộng hơn, rõ nét và có độ chính xác cao
  • Độ méo cực thấp
  • Âm trầm chặt chẽ và được kiểm soát

Nhược điểm

  • Chi phí sản xuất tốn kém và phức tạp (chỉ cần một hạt bụi nhỏ trên driver cũng có thể dẫn đến hiện tượng méo âm)
  • Khó kéo (yêu cầu bộ khuếch đại tai nghe chuyên nghiệp)

[Products:4179, 5603]

Driver Bone-conduction (trình điều khiển dẫn truyền qua xương)

Mặc dù công nghệ dẫn truyền qua xương còn tương đối mới nhưng nó đã nhanh chóng có được chỗ đứng trong ngành. Loại driver này rất hữu ích đối với những người bị mất thính lực do màng nhĩ bị tổn thương hoặc những người hay tập thể dục, vận động vừa muốn nghe nhạc nhưng vẫn có thể nhận thức được môi trường xung quanh.

Nguyên lý hoạt động

Driver Bone-conduction sẽ truyền tải âm thanh bằng các rung động qua xương hàm trên, sau đó trực tiếp đến thẳng tai trong và não thay vì các rung động trong không khí như những loại driver thông thường.

Là loại tai nghe truyền tải âm thanh bằng các rung động qua xương hàm trên, sau đó trực tiếp đến thẳng tai trong và não thay vì bằng các rung động qua không khí như những loại tai nghe thông thường.

[Products:6413]

Bạn nên lựa chọn loại driver tai nghe nào?

Việc lựa chọn tai nghe còn phụ thuộc nhiều vào sở thích cá nhân và mục đích sử dụng chúng. Nếu bạn là người thích âm thanh mạnh mẽ, sôi động nhiều âm trầm thì có thể tìm kiếm tai nghe có driver Dynamic. Nhưng nếu có ý định sử dụng cho nhu cầu chơi game thì hãy chọn thiết bị có driver BA (Balanced Amature) sẽ phù hợp hơn cả.

Hiện nay, những chiếc tai nghe thể thao thường có xu hướng sử dụng driver Bone-conduction, bởi chúng vừa có thể phát ra nhạc chất lượng nhưng vẫn đảm bảo người sử dụng có thể nhận thức được môi trường xung quanh (đặc biệt là những người chạy bộ trên đường rất cần thiết). Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đang làm trong lĩnh vực chuyên biệt, đòi hỏi độ chính xác cao chẳng hạn như kỹ thuật âm thanh hoặc các khía cạnh nhất định của việc sản xuất âm nhạc, thì chắc chắn một chiếc tai nghe có driver Planar Magnetic hoặc Electrostatic sẽ cực kỳ hoàn hảo.  

Tóm lại, có rất nhiều loại driver và mỗi loại đều mang một đặc điểm riêng biệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể quyết định chất lượng của một cặp tai nghe chỉ bằng cách nhìn vào loại driver mà chúng sử dụng. Việc tích hợp, điều chỉnh và sắp xếp các driver sẽ quan trọng hơn loại, số lượng hoặc kích thước driver. Bởi vậy, việc hiểu rõ tất cả điều này sẽ giúp bạn tìm được một chiếc tai nghe “chân ái” cho mình!

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất