Đánh giá máy nghe nhạc Shanling M3X: Dual Dac ESS ES9219C, MQA 16X, chạy Android

Đánh giá máy nghe nhạc Shanling M3X: Dual Dac ESS ES9219C, MQA 16X, chạy Android

Cập nhật : 26-03-2021, 11:00 am - Lượt xem : 4.686

Shanling là thương hiệu hẳn đã không còn xa lạ với những người chơi âm thanh. Từ những ngày đầu chập chững bước chân vào con đường này mình đã may mắn được trải nghiệm 2 hai mẫu máy nghe nhạc của hãng là M2 và M5.

Điều đầu tiên làm mình thấy ấn tượng đó là về mặt thiết kế, rất đặc trưng nhưng vẫn cho cảm giác thoải mái khi cầm trên tay chứ không kề cấn và sắc như những chiếc máy đến từ Astell & Kern hay Cowon cùng với chất lượng âm thanh vô cùng tuyệt vời so với mức giá.

Shanling M3X là mẫu máy nghe nhạc mới nhất mà hãng ra mắt cộng đồng âm thanh. Đây được biết là máy nghe nhạc Android Hi-res đầu tiên trên thế giới được trang bị Dual Dac ES9219C cùng với khả năng giải mã hoàn toàn MQA.

THIẾT KẾ

Về mặt thiết kế, Shanling M3X về cơ bản vẫn tiếp nối M2X, nhưng chiều ngang thân máy lớn hơn. Toàn bộ máy được phủ tông màu đen, khung máy được cấu tạo từ hợp kim nhôm với bề mặt được hoàn thiện dạng nhám đi cùng hai mặt kính bóng bẩy tạo nên sự tương phản sáng tối rất ấn tượng.

Khả năng hoàn thiện cũng là một điểm sáng khi mà phần ghép nối giữa kính và kim loại được làm rất tỉ mỉ, rất khít và không hề có vết gợn hay chi tiết thừa nào. Nhà sản xuất còn rất cẩn thận khi tặng kèm chúng ta hai miếng dán mềm trong hộp, như vậy bạn có thể thoải mái sử dụng mà không còn lo sợ khi hai mặt kính đẹp đẽ sẽ bị bám vân tay hay trầy xước.

Mặt trước của máy là màn hình 4.2 inch với độ phân giải HD do Sharp gia công nên độ sắc nét hay màu sắc đều rất tốt, nó ngang ngửa với những chiếc smartphone tầm trung.

Cạnh phải là nút xoay tích hợp điều chỉnh âm lượng và nút nguồn kiêm bật tắt màn hình.

Ba nút bên trái là nút back, play, pause, các phím này đều được làm chắc chắn và có độ phản hồi cao khi ấn.

Phía trên là cổng 3.5 Po và cổng balance 4.4.

Phía dưới là khe cắm thẻ nhớ microSD và cổng Type-C. Ngoài dùng để sạc và truyền dữ liệu, người dùng cũng có thể biến M3X thành 1 USB Dac/Amp chất lượng cao cho PC/Laptop qua cổng Type-C.

Kích thước của Shanling M3X là 109x72x15,9mm và trọng lượng là 168g, cá nhân mình thấy khá thoải mái để cầm bằng một tay hay cho vào túi quần. Bạn có thể mang theo Shanling M3X tới bất cứ nơi nào bạn muốn.

CẤU HÌNH

Về phần cứng, Shanling M3X được trang bị CPU Snapdragon 430, 2GB ram, 32GB ROM, có thể các bạn không để ý rằng cấu hình này ngang ngửa với Nokia 6, một chiếc smartphone tầm trung đã được ra mắt từ năm 2017, mình đã mua một chiếc cho người thân dùng và đến bây giờ nó vẫn hoạt động tốt vậy nên cấu hình này hoàn ổn với một chiếc máy nghe nhạc chạy Android 7.

M3x cũng được trang bị dual chip DAC ESS Sabre ES9219C hỗ trợ giải mã PCM lên đến 32-Bit / 384kHz, DSD256 Native và MQA 16X.

Đến đây chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc về MQA 16X, nói một cách đơn giản, đó là một cách nén các tệp chất lượng cao thành các tệp nhỏ thông qua việc “gấp” nhiều lần, quá trình nén dữ liệu âm thanh này được hãng gọi là Music Origami. Bội số mở rộng của tệp định dạng MQA liên quan trực tiếp đến chất lượng âm thanh của tệp. Hiện tại, các sản phẩm trên thị trường có thể đạt được khả năng mở rộng gấp 8 lần, và khả năng mở rộng 16 lần(16-fold expansion) thì chỉ có M3X làm được.

Shanling M3X hỗ trợ bluetooth 2 chiều với các bộ codec chất lượng cao bao gồm LDAC, LHDC, aptX HD, v.v. Người dùng sẽ dễ dàng kế nối M3x với các mẫu tai nghe bluetooth để thưởng thức âm nhạc không dây, hoặc cũng có thể biến M3x thành 1 chiếc bluetooth dac/amp chất lượng cao…

Shanling M3X được trang bị hai cổng Headphone out, một cổng 3,5mm SE và cổng 4,4mm Bal . Cổng 4.4mm Bal có công suất 240mW tại 32Ω cung cấp đủ năng lượng cho các mẫu tai nghe của bạn một cách dễ dàng.

M3X có thời lượng pin lên đến 23 giờ ở chế độ Single DAC, thậm chí với cổng 4.4 Bal, máy nghe nhạc có thể chơi nhạc liên tục lên đến 19 giờ.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT

  • Dual DacESS Sabre ES9219C
  • Hỗ trợ giải mã PCM lên đến 32-Bit / 384kHz và DSD256 Native.
  • Hỗ trợ giải mã MQA 16X
  • Dual Output: 3,5 mm SE và 4,4 mm BAL.
  • Công suất đầu ra: lên đến 240mW @ 32Ω (4.4mm)
  • Trở kháng đầu ra: <1Ω.
  • CPU 8 nhân Qualcomm Snapdragon 430.
  • RAM 2 GB + ROM 32 GB.
  • WiFi băng tần kép: 2,4gHz & 5gHz.
  • Hỗ trợ Bluetooth hai chiều.
  • LDAC, LHDC, aptX HD, SBC và nhiều hỗ trợ codec Bluetooth HI-res khác.
  • Mở hệ điều hành Android 7.1.
  • Màn hình 4,2 inch (1280x768).
  • Pin :Lên đến 23 giờ (SE, single DAC), Lên đến 20 giờ (SE, dual DAC)), Lên đến 19 giờ (Bal)
  • Kích thước: 109mm X 72mm X 15,9mm.
  • Trọng lượng: 168 gms.

CHẤT ÂM

Đối với đầu ra, tai nghe mà mình kết hợp sẽ là dòng khá mới của Shanling: ME700 lite, đây là mẫu tai nghe vừa mới được tung ra thị trường, sử dụng dây dẫn đi kèm. Các bản nhạc mình test gồm: Hotel California – Engle, The One I Love – Meav, Amarantine – Enya.

Tổng thể chất âm của Shanling M3X vẫn thiên về phong cách nhẹ nhàng và cân bằng, có một chút nhấn nhá ở dải mid, âm trường rộng rãi và độ chi tiết khá tốt. Kiểu âm này có thể giúp bạn nghe trong một khoảng thời gian dài mà không cảm thấy mệt mỏi.

Khi nghe bản nhạc huyền thoại "Hotel California" trên Shanling M3X, sự phân lớp và vị trí các nhạc cụ được thể hiện rất tốt. Âm trường được mở rộng hơn ở bề ngang. Dải cao giàu năng lượng khiến cho tiếng vỗ tay hay reo hò của khán giả trở nên sống động hơn. Đây là một bài nhạc mình đã nghe rất nhiều lần nhưng lần nào nghe lại cũng khiến mình rạo rực và muốn lắc lư theo điệu nhạc. Sự thể hiện của M3x và ME700 lite chưa thể hoàn hảo được nhưng nó đủ để mang lại những xúc cảm khiến mình muốn nghe thêm bài nhạc bất hủ này một lần nữa.

"One I Love", Bài nhạc này đơn thuần là sự độc tấu của giọng hát (thể loại A cappella), sự xuất hiện của các nhạc cụ là rất ít. Điều đầu tiên mà mình cảm nhận được là các chi tiết như tiếng hít thở lấy hơi hay chép miệng của ca sĩ được tái tạo rất rõ ràng. Dải mid có xu hướng được làm mượt mà khiến cho các đoạn luyến ở các nốt cao đều rất cân bằng chứ không bị chói và gắt. Phần vocal cũng được đưa ra phía trước đầu khiến nó nổi bật hơn, tuy nhiên điều này sẽ làm bạn không cảm thấy thoải mái lắm khi nghe trong thời gian dài.

“Amarantine”, bài nhạc này cho phép M3x và ME700 lite thể hiện được tất cả những ưu điểm trong chất âm của mình. Với những ai lần đầu nghe nhạc của Enya thì sẽ có cảm giác như cô ấy đang ru ngủ họ, thật vậy giọng hát có phần đều đều và thiên về tông thấp khiến tổng thể bài hát nghe rất du dương, nhẹ nhàng. Âm trường rộng rãi và dải mid khá tiến của cặp đôi này làm cho giọng hát của Enya nổi bật hẳn lên trên phần nhạc nền, tạo thêm sự nhấn nhá cho bài nhạc.

KẾT LUẬN

Nếu so với những người tiền nhiệm của mình thì những gì mà M3x thể hiện thực sự là một bước tiến lớn, Chất âm dễ nghe, mức giá dễ chịu, cấu hình phần cứng thì ngang ngửa thậm chí là nhỉnh hơn những đối thủ cùng phân khúc như Hiby R5 hay Ibasso DX160.

Khả năng giải mã MQA16X cũng là một điểm cộng, tuy là tính ứng dụng vẫn chưa thực tế lắm khi codec MQA hiện tại chỉ dừng ở mức tối đa là MQA8X, nhưng tương lai với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng cao của người chơi nhạc số thì chẳng mấy chốc phần chêch lệch này cũng sẽ bị xóa nhòa.

Cuối cùng thì quyết định vẫn ở bạn nhưng mình tin rằng Shanling M3X xứng đáng để bạn bỏ thời gian ra trải nghiệm và có thể là sở hữu chiếc máy nghe nhạc tuyệt vời này. Các bạn có thể trải nghiệm MIỄN PHÍ Shanling M3X trước khi mua hàng tại các chi nhánh của Xuân Vũ Audio trên toàn quốc, hoặc đặt mua tại đây.

[Products:3421]

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất