Hiby là thương hiệu đã trở nên quen thuộc trong thời gian gần đây phần lớn nhờ vào sự thành công của dòng máy nghe nhạc đình đám Hiby R6. Trong hệ sinh thái sản phẩm của mình, Hiby cũng có một chiếc Bluetooth DAC/AMP nhỏ gọn nhưng vô cùng mạnh mẽ và thông minh, đó chính là Hiby W5.
Được ra mắt cách đây không lâu, Hiby W5 tỏ ra là một đối thủ đáng gườm nhất với các đàn anh như EarStudio ES100 hay Fiio BTR3 hiện tại. Sở hữu thiết kế hơi hướng True Wireless với hộp sạc đi kèm, trang bị codec riêng biệt cho khả năng truyền tín hiệu còn mạnh hơn cả LDAC của SONY, liệu rằng đây có phải là bom tấn trong giới Bluetooth DAC/AMP hiện nay?
Cùng Xuân Vũ Audio tìm hiểu nhé.
Hộp được làm từ nhựa bóng kính trong suốt, để lộ được nhân vật chính Hiby W5 ngay lập tức mà không cần phải mở hộp.
Phụ kiện đi kèm chứa ở khoang dưới bao gồm :
1x Case sạc đi kèm bao silicon bảo vệ.
1x Sách vở đi kèm ( Sách HDSD, Phiếu bảo hành, Thẻ chứng nhận chính hãng, HDSD Nhanh) bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
1x Cáp sạc USB Type-C.
Theo như Hiby thì đây là thiết kế lấy cảm hứng từ những chiếc phi thuyền của tương lai, toàn bộ phần thân được làm dạng thon dài, vuốt nhọn về hai đầu. Còn với chúng ta, người nhìn vào sẽ bào giống cái kén, người thì bảo giống thỏi son, còn giống cái gì khác nữa thì anh em tự biết thôi nhé, mình không nói đâu.
Phần thân một nửa được hoàn thiện từ nhựa bóng, nửa dưới là thép không gỉ đem lại độ chắc chắn và sang trọng hơn việc chỉ làm hoàn toàn từ nhựa như ES100. Trên thân của Hiby W5 chỉ có 1 cổng kết nối 3.5mm duy nhất đồng nghĩa với việc thiết bị này không hỗ trợ chuẩn Balanced 2.5mm giống như trên ES100.
Trên thân của Hiby W5 hoàn toàn trơn nhẵn, không có bất cứ một nút vật lý nào xuất hiện. Bạn chỉ có thể điều khiển thông qua một nút cảm ứng duy nhất đặt ở khu vực đèn thông báo trạng thái đặt gần phía cổng 3.5mm.
Thêm nữa là Hiby W5 sẽ không thể sạc nếu thiếu phần dock sạc đi kèm của mình. Cách sạc cho Hiby W5 làm giống như các mẫu tai nghe True Wireless hiện tại. Nhiều bạn sẽ thắc mắc là tại sao lại không tích hợp cổng sạc trực tiếp như Micro USB hay Type-C cho tiện? Câu trả lời là do Hiby W5 được thiết kế để chống lại nước và bụi khi đạt chuẩn IP67. Có bao nhiêu chiếc Bluetooth DAC/AMP trên thị trường làm được điều này? Hiện tại Hiby W5 chính là sản phẩm đầu tiên và duy nhất có khả năng này. Bạn có thể thoải mái đem theo W5 khi đang tập luyện, đi phượt, đi biển, chẳng còn lo ướt át hay hỏng hóc nữa.
Hộp sạc đi kèm có thiết kế nắp đậy đóng mở bằng bản lề, thao tác đơn giản. Bên trong cũng được tích hợp nam châm hút để thao tác sạc W5 dễ dàng hơn, không bị rơi ra ngoài kể cả khi đang mở nắp hộp.
Thật may là trên Hiby W5 vẫn có kẹp áo được tích hợp sẵn vì với vỏ ngoài trơn láng cộng thêm khả năng rung phản hồi nữa, rất có thể người ta sẽ hiểu nhầm công dụng chính của chiếc Bluetooth DAC/AMP này.
Ngay từ tầng nhận tín hiệu, Hiby W5 đã được trang bị ngay con chip Bluetooth CSR8675 cao cấp nhất của Qualcomm hiện nay. Con chip này hỗ trợ chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất cùng hàng loạt tính năng tối tân khác.
Ưu điểm của Bluetooth 5.0 thì mọi người đã thấy rõ là nó ổn định hơn, tiết kiệm pin hơn và tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn nhiều so với Bluetooth 4.2 trở về trước. Nhưng điều đáng nói không phải là ở chuẩn Bluetooth gì mà sự chú ý sẽ đổ dồn vào cái codec mà Hiby đặt tên là Ultra Audio Transmission ( viết tắt là UAT ) được trang bị trên Hiby W5.
Đây là codec đặc biệt do Hiby tự phát triển, hiện tại mới chỉ có duy nhất trên Hiby W5. Theo lý thuyết thì UAT tận dụng được nhiều băng thông của Bluetooth 5.0 hơn khi đạt đỉnh 1200 kb/s. Do đó, UAT có khả năng truyền tín hiệu âm thanh lossless vượt chuẩn Hi-res lên tới 24bit/192kHz ( gấp đôi LDAC khi dừng ở 24bit/96kHz ).
Ngoài UAT, Hiby W5 sẽ hỗ trợ toàn bộ các codec khác hiện có trên thị trường từ SBC, AAC, AptX, AptX HD cho đến LDAC. Không có một thiết bị phát Bluetooth nào có thể làm khó được Hiby W5.
Chưa dừng lại ở đó, Hiby W5 còn được trang bị một chip DAC/AMP giải mã âm thanh chuyên dụng đến từ ESS Sarbe có tên mã ES9218P. Đây cũng là một trong những chip giải mã âm thanh di động mạnh nhất thế giới hiện tại. Theo lý thuyết, con chip này có thể xử lý tín hiệu PCM 32bit/384kHz và DSD256 Native.
Mạch ampli tích hợp cho công suất đầu ra lên tới 80mW@32 Ohm ở mỗi kênh. Độ méo âm (THN+D) cực thấp và tỉ lệ tín hiệu trên nhiễu SNR cao, đảm bảo âm thanh cho ra giữ được độ động và độ trung thực tốt.
Ngoài phần âm thanh, Hiby W5 cũng được tích hợp micro thoại cùng với thuật toán xử lý giọng nói Clear Voice Capture thế hệ thứ 8 đem lại trải nghiệm gọi thoại trong trẻo, ít tạp âm.
Không có nhiều phím điều khiển trực tiếp trên Hiby W5. Một nút cảm ứng duy nhất đặt ở vị trí đèn hiệu. Phải mất một hồi làm quen mình mới xác định vị trí chính xác của cái nút cảm ứng này. Cũng may là nút này có rung phản hồi mỗi khi ta chạm trúng. Thao tác sử dụng trên Hiby W5 như sau:
Một chiếc Bluetooth DAC/AMP cao cấp mà lại thiếu đi ứng dụng đi kèm thì quả là thiếu sót lớn của nhà sản xuất. Thật may, Hiby là một hãng đi lên từ phần mềm nên việc trang bị một app đi kèm không phải là việc quá khó khăn. Phần mềm đi kèm Hiby W5 có tên Hiby Blue, các bạn có thể tìm thấy trên 2 nền tảng di động lớn nhất là Android và iOS.
Phần mềm này cho phép bạn theo dõi trạng thái hoạt động của Hiby W5 và thiết lập các cài đặt liên quan như lựa chọn codec phát, tần số lấy mẫu, chỉnh EQ, gain của ampli tích hợp, cân bằng trái phải…Ngoài ra bạn cũng có thể update firmware thông qua phần mềm này.
TRẢI NGHIỆM VÀ CHẤT ÂM
Không để các bạn phải đợi lâu, mình sẽ test thẳng codec UAT mạnh nhất trên Hiby W5 để xem nó hoạt động hiệu quả ra sao. Hiby đã khuyến cáo với người sử dụng là nên dùng thiết bị có hỗ trợ Bluetooth 5.0 để hiệu suất hoạt động của thiết bị tốt nhất.
Mình đã sử dụng Redmi Note 7 có cài cả Hiby Music và Hiby Blue để kích hoạt UAT lên. Ngoài ra thì Redmi Note 7 cũng có LDAC và các codec để chúng ta có thể so sánh.
Thật đáng tiếc khi UAT hiện tại trên Hiby W5 chỉ đúng về mặt lý thuyết mà thôi. Thực tế chỉ trong khoảng 30s bật UAT, Hiby W5 liên tục gặp hiện tượng nhạc bị giật cục giống kiểu như bị vấp đĩa. Cứ khoảng 3-5s lại bị một lần. Điều này làm mình khá khó chịu và không thể trải nghiệm tiếp được. Có lẽ codec này sẽ cần phải hoàn thiện rất nhiều và chúng ta phải đợi ở những bản cập nhật firmware sau này của Hiby W5 mới có thể khắc phục được hiện tượng này.
Gạt UAT qua một bên, chúng ta sẽ đến với LDAC. Đập tan nghi ngờ về khả năng kết nối của Hiby W5, LDAC hoạt động vô cùng mượt mà kể cả khi bật ở chế độ streaming 900kbps cao nhất. Lúc này Hiby W5 mới cho thấy sức mạnh thực sự về âm thanh của một chiếc DAC/AMP Bluetooth bé nhỏ có thể làm được.
Cảm nhận đầu tiên là Hiby W5 được tune âm theo hướng V-Shape, nghe rất vui tươi và bắt tai.
Dải trầm rất đầy đặn và punchy với điểm nhấn vào mid-bass, đi cùng với đó là nguồn năng lượng đáng nể đến từ ampli tích hợp làm cho Hiby W5 có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với những mẫu máy nghe nhạc cận trung cấp.
Âm trung trong trẻo và ấm nhẹ, độ chi tiết rất tốt. Với nguồn năng lượng dồi dào ở dải trầm, âm của Hiby W5 có một dải trung âm hơi tối, mang lại sự hiện diện của giọng hát khá thoải mái ở phía sau trước khi dải cao được nhấn ở quãng khoảng 6kHz-10kHz nhưng không nhấn quá nhiều.
Dải treb được boost nhẹ làm những tiếng leng keng trở nên rõ ràng và lung linh hơn. Âm treb cũng khá mượt và tơi chứ không hề gắt hay khó nghe. Độ mở tốt, không bị roll-off. Điều này nhờ rất nhiều vào LDAC khi giữ được những chi tiết nhỏ ở dải âm này.
Âm trường của Hiby W5 ở mức khá ổn. Khi nghe những bản live như Hammer To Fall - Live Aid của Queen thì không khí sôi động của sân vận động không làm mình đến mức choáng ngợp như những máy nghe nhạc hi-end nhưng cũng đủ để giữ không khí thoáng đãng và dễ chịu. Chiều sâu của sân khấu ở mức khá chứ không phải kiểu flat hoàn toàn như những máy nghe nhạc giá rẻ. Vị trí nhạc cụ và âm hình tương đối rõ ràng.
Với màu âm như thế này, Hiby W5 sẽ rất tuyệt khi bạn nghe R&B, Funk, Rock và những thể loại yêu cầu âm thanh có nhiều năng lượng, vui tươi. Hãy thử nhạc của Vinh Khuất chẳng hạn, bạn sẽ không thể ngồi yên khi nghe với Hiby W5 đâu.
Đối với các codec khác, độ chi tiết, độ trong của âm thanh sẽ giảm dần từ AptX HD, AptX, AAC, SBC. Vì vậy, hãy sử dụng một thiết bị phát có codec như LDAC hay chí ít là AptX để tận dụng tối đa sức mạnh trên Hiby W5.
Thời lượng pin trên Hiby W5 cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Chiếc Bluetooth DAC/AMP nhỏ bé này có thể chạy ròng rã suốt 20 tiếng đồng hồ khi kết hợp cùng hộp sạc ( khi bạn chạy ở codec AAC và âm lượng khoảng 50% cùng tai nghe trở kháng 32 Ohm). Mỗi lần sạc đầy Hiby W5 sẽ sử dụng được khoảng 4-5 giờ liên tục. Và mỗi lần sạc đầy pin mất khoảng 1,5 giờ. Thực tế khi mình trải nghiệm bằng LDAC và tai nghe bật ở mức 60%, Hiby W5 cũng cho tới khoảng gần 10 giờ nghe nhạc khi kết hợp cùng hộp sạc.
EarStudio ES100
ES100 sẽ có lợi thế về cổng Balanced 2.5mm khi so với Hiby W5. Tuy nhiên, do âm của Hiby W5 có xu hướng V-Shape nên khi nghe có cảm giác âm thanh đầy đặn, giàu năng lượng và vui tươi hơn hẳn so với ES100. Còn về khía cạnh kỹ thuật, âm của ES100 tỏ ra cân bằng, chững chạc và chi tiết hơn so với Hiby W5.
Chưa kể đến khoản phần mềm điều khiển của EarStudio được làm rất kỹ và chi tiết, Hiby sẽ còn phải nâng cấp dài dài mới theo kịp được.
FiiO BTR3
Âm của FiiO BTR3 khi so với Hiby W5 tỏ ra kém dynamic và ít hấp dẫn hơn. Hiby W5 nhỉnh hơn về cả độ trong trẻo, chi tiết và âm sắc của nhạc cụ. FiiO BTR3 có dải treb hiền hơn nhưng vocal lại dày hơn, âm thanh cân bằng hơn nhưng kết cấu của nhạc cụ ở dải treb và dải bass thì thua hẳn Hiby W5 một bậc.
Thao tác điều khiển lại là điểm mạnh trên FiiO BTR3. Rất đơn giản và dễ làm quen không bị bỡ ngỡ như Hiby W5.
Shanling M0
Cả 2 đều có chung chipset thu tín hiệu và phần cứng giải mã ngang ngửa nhưng âm trên Hiby W5 lại đầy đặn và thuyết phục hơn về độ chi tiết khi so với Shanling M0 ở chế độ receiver mode. Trong khi Shanling M0 được thiết kế để làm nhiệm vụ của một chiếc máy nghe nhạc thì không khó để giải thích việc Hiby W5 tỏ ra vượt trội hơn khi nó được thiết kế chuyên biệt làm một bộ thu giải mã tín hiệu Bluetooth độ phân giải cao.
KẾT LUẬN
Hiby W5 sẽ là một chiếc Bluetooth DAC/AMP hoàn hảo nếu như codec UAT của mình phát huy tác dụng thực sự. Bù lại việc xử lý các codec như LDAC hay Aptx HD rất tốt, âm thanh cho ra đạt độ chi tiết cao, nội lực có khả năng sánh ngang với những chiếc máy nghe nhạc cận trung cấp. Hiby W5 vẫn là một lựa chọn cực kỳ sáng giá cho những ai đang tìm kiếm một giải pháp nghe nhạc không dây nhỏ gọn, có âm thanh tốt ngang ngửa máy nghe nhạc chuyên dụng.
Hiby là một hãng rất mạnh về phần mềm nên trong tương lai, mình tin rằng UAT sẽ hoạt động trơn tru hơn. Đến lúc đó thì Hiby W5 sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Ưu điểm:
- Có codec UAT độc quyền cho khả năng truyền dẫn theo lý thuyết tốt hơn cả LDAC
- Hỗ trợ LDAC, AptX HD, Aptx, AAC và SBC
- Tích hợp chip DAC/AMP rời cho âm thanh ngang ngửa với các máy nghe nhạc cận trung cấp.
- Thiết kế tối giản, hoàn thiện chắc chắn, cao cấp
- Chống nước, chống bụi IP67
- Thời lượng pin lên tới 20 giờ sử dụng
Nhược điểm:
- UAT hoạt động chưa hiệu quả
- Thiết kế trơn bóng, bám vân tay khi sử dụng
- Thao tác điều khiển mất thời gian để làm quen
- Không thể sạc nếu thiếu hộp sạc
Các bạn có thể trải nghiệm sản phẩm tại các chi nhánh của Xuân Vũ Audio trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt hàng tại đây.
[Products:2277]