Kể từ khi Apple cho ra mắt Airpods, thị trường tai nghe không dây trở nên sôi động hơn bao giờ hết và giờ đây rất nhiều công ty đang muốn chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu mà Airpods đã đạt được. Skullcandy, công ty âm thanh đến từ Mỹ đã trở thành cái tên mới nhất tham gia cuộc chiến này. Sau sự mở màn của Skullcandy Push, Skullcandy tiếp tục quay trở lại mạnh mẽ với Skullcandy Indy. Mang trong mình kỳ vọng thay thế Airpods với giá chỉ bằng một nửa, liệu Skullcandy Indy có làm nên chuyện hay không? Chúng ta hãy cùng nhìn vào khả năng thực tế của chiếc tai nghe này xem nó có đáng mua hay không nhé.
THIẾT KẾ CỦA SKULLCANDY INDY
Ở khía cạnh thiết kế, Skullcandy Indy có rất nhiều điểm tương đồng với Apple Airpods. Đầu tiên là về hộp sạc. Thiết kế hộp sạc dạng kén có nắp đóng mở và bản lề ở phía trên đầu. Ở ngay mặt trước của hộp chúng ta có một dãy 3 đèn báo mức pin của hộp sạc cùng 1 phần logo Skullcandy lớn dập chìm ở phần tiếp giáp nắp hộp.
Cảm giác hoàn thiện của chiếc hộp này khá chắc chắn và cứng cáp. Tuy nhiên nếu đặt cạnh Apple Airpods thì nó vẫn trông có vẻ gì đó hơi thô.
Phần chân sạc được bố trí ở dưới đáy hộp cũng giống với Apple Airpods, tuy nhiên Skullcandy Indy chỉ được trang bị chân sạc Micro-USB cũ.
Đáng mừng là khoang chứa tai nghe của Skullcandy cũng được trang bị nam châm dính hút giống Apple Airpods giúp việc thao tác sạc tai nghe trở nên thuận tiện hơn, tránh lỏng lẻo khi sạc và hạn chế tối đa hiện tượng rơi ra ngoài.
Về phần tai nghe, Skullcandy Indy được thiết kế dạng in-ear (nhét tai) thay cho dạng earbuds (cài tai) của Airpods. Housing của Skullcandy Indy được làm khá to, cộng thêm một phần đệm cao su tăng cường bám tai khiến cho Skullcandy trở nên hầm hố hơn rất nhiều khi đặt cạnh Airpods.
Tuy nhiên điều này lại là nhược điểm, những người có đôi tai nhỏ rất khó hoặc không thể đeo vừa Indy trên tai.
Mặt faceplate của tai được trang trí logo “đầu lâu” đặc trưng của Skullcandy. Ẩn dưới là phần cảm ứng 1 chạm có khả năng điều khiển mọi hoạt động của chiếc tai nghe này.
Skullcandy Indy cũng có “phần thừa” ra giống Apple Airpods. Ban đầu thiết kế phần tay cầm thừa ra này trên Airpods đã bị chế giễu rất nhiều vì nó chẳng khác nào bạn cắt đi phần dây của Earpods cả, nhìn khá vô duyên và kỳ cục. Về sau, mọi người mới hiểu rằng, thiết kế có “phần thừa” này cực kỳ hữu dụng với những chiếc tai nghe True-Wireless. Nó giúp thao tác cầm nắm khi sử dụng thuận tiện hơn, micro thu âm định hướng tốt hơn. Trên Skullcandy Indy, phần thừa nhìn khá ngầu, góc cạnh. Khu vực này sẽ chứa micro thu âm, tiếp điểm sạc của tai nghe với hộp sạc.
CÔNG NGHỆ TRÊN SKULLCANDY INDY
Chiếc tai nghe này sử dụng chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất đem lại khả năng tự động kết nối 2 bên tai nghe tiện lợi. Bạn chỉ việc nhấc tai ra khỏi hộp sạc là có thể sử dụng giống như Apple Airpods.
Skullcandy Indy thiết kế không chỉ để dùng cho những hoạt động nhẹ nhàng, nó còn hướng tới đối tượng là những người yêu thể thao, thích vận động ngoài trời. Trang bị hệ thống tăng cường độ bám tai eargel, trang bị luôn chuẩn chống nước và chống bụi IP55 cho khả năng hoạt động bền bỉ kể cả bị dính mồ hôi, nước mưa hay bùn đất.
Cảm ứng một chạm trên Skullcandy Indy có thể làm được nhiều thứ hơn là việc chỉ nhận cuộc gọi và dừng phát nhạc như Apple Airpods. Bạn có thể chuyển bài, điều khiển âm lượng trực tiếp trên tai nhờ vào các thao tác chạm.
TRẢI NGHIỆM SKULLCANDY INDY
Trải nghiệm mẫu true wireless đầu tay của Skullcandy là Push khiến mình khá thất vọng. Thật may là với Skullcandy Indy, mọi chuyện trở nên khả quan hơn. Cách đeo Skullcandy Indy gần giống với Airpods ngoại trừ chuyện phần eartips sẽ đi sâu vào ống tai của bạn. Đương nhiên là khả năng cách âm của Skullcandy Indy tốt hơn hẳn Airpods một bậc do cấu tạo inear của mình nhưng về độ thoải mái thì Skullcandy Indy vẫn không phải là đối thủ của Airpods. Dù không đến mức quá khó chịu nhưng bạn sẽ cảm thấy hơi bí bách một chút, đặc biệt với những người có đôi tai nhỏ như mình.
Việc kết nối với Skullcandy Indy khá đơn giản và nhanh chóng. Skullcandy cũng đã rất cẩn thận khi có hẳn những video hướng dẫn chi tiết cách sử dụng và kết nối chiếc tai nghe này trên trang chủ của hãng.
Kết nối trên Skullcandy Indy tương đối ổn định, hiện tượng rớt kết nối không xảy ra nhưng đôi lúc nhạc sẽ bị vấp khoảng vài mili giây nếu có thông báo từ điện thoại chèn ngang.
Phần cảm ứng một chạm rất nhạy giống như trên Pamu Scroll. Mình đánh giá cao những chiếc tai nghe có cảm ứng vì thi thao tác không sinh ra lực ấn vào bên trong tai, khá khó chịu ở những chiếc tai nghe dùng nút bấm.
Về phần âm thanh, Skullcandy Indy có một chất âm trên mức trung bình với âm đặc trưng V-Shape. Nếu bạn là một người yêu âm bass, Skullcandy Push sẽ là lựa chọn tốt hơn dành cho bạn. Bass của Skullcandy Indy hơi thiếu một chút về lượng và phần âm treble được boost khá nhiều khiến âm thanh đôi lúc bị sáng quá mức. Với chất âm kiểu này thì Skullcandy sẽ hợp với đa số các thể loại nhạc phổ thông như Pop hay R&B. Đối với những thể loại nhạc yêu cầu cao hơn về tính kỹ thuật như Classical, Jazz thì Skullcandy Indy không phải là lựa chọn dành cho bạn.
Thời lượng pin của Skullcandy Indy đạt mức gần 4 tiếng sử dụng liên tục, ít hơn so với Apple Airpods khoảng 2 tiếng sử dụng. Hộp sạc đi kèm theo có khả năng sạc 3 lần nâng tổng thời gian sử dụng của Skullcandy Indy lên thành 16 tiếng.
KẾT LUẬN
Skullcandy Indy là một sản phẩm không tồi để thay thế Apple Airpods. Với mức giá chỉ bằng một nửa, chúng ta có một cặp tai nghe True Wireless đến từ thương hiệu Mỹ, có kết nối nhanh của Bluetooth 5.0, điều khiển cảm ứng 1 chạm, âm thanh sôi động và cách âm tốt hơn. Tuy vậy chiếc tai nghe này vẫn tồn tại một vài hạn chế cần phải cải thiện mới có thể trở nên nổi bật hẳn so với những đối thủ khác cùng phân khúc.
Ưu điểm
- Thiết kế hầm hồ, phong cách đậm chất Mỹ
- Kết nối nhanh, Bluetooth 5.0 mới nhất
- Khả năng chống nước, bụi bẩn IP55
- Cách âm tốt, chất âm khá trong tầm giá
Nhược điểm
- Housing to, không phù hợp với người tai nhỏ
- Cảm giác đeo chưa thực sự thoải mái
Tham khảo từ fossbytes.com