Tiếp nối sự thành công của series Beam 2/2S/2SE, Hilidac tiếp tục tung ra mẫu portable DAC/AMP mới nhất của hãng là Beam 3 Plus. Với rất nhiều nâng cấp như thêm khả năng làm DAC/AMP bluetooth tới hỗ trợ cùng lúc 2 cổng output 3.5SE và 4.4 Balanced. Beam 3 Plus hứa hẹn sẽ là một đối thủ cạnh tranh nặng ký với những DAC/AMP đang làm mưa làm gió ở phân khúc tầm trung này như Lotoo Paw S1 và Luxury & Precision W1.
Hộp của Beam 3 Plus có bề ngoài giống như hộp của đàn em ra mắt cách đây không lâu là Atom 2 khi đều có chung thiết kế là hộp giấy màu đen hình vuông nhỏ gọn.
Bên trong chia thành 2 lớp với DAC/AMP Beam 3 Plus nằm gọn ở trên và phụ kiện nằm ở ngăn dưới. So với đàn em Beam 2 thì phụ kiện của Beam 3 Plus có phần rút gọn hơn khi không còn dây USB-C to Lightning để kết nối với iPhone mà chỉ còn dây USB-C to USB-C (dài 9cm) và adapter USB-C to USB-A. Dây cáp vẫn là dây cáp sử dụng chung giống như trên Beam 2.
Với việc cắt bỏ dây kết nối cho iPhone thì Beam 3 Plus vẫn có thể kết nối với iPhone bằng Bluetooth để trải nghiệm chức năng DAC/AMP bluetooth. Nhưng do iPhone chỉ sử dụng codec AAC nên chất lượng âm thanh qua bluetooth chỉ đạt tầm ~250kbps (Tương đương nhạc Apple Music m4a và Spotify MP3). Vì vậy nếu muốn trải nghiệm nhạc Lossless trên iPhone thì nay chúng ta phải mua thêm cáp USB-C to Lightning có hỗ trợ MFi để có thể hỗ trợ xuất qua Beam 3 Plus một cách tốt nhất.
So với dòng Beam 2 thì nâng cấp lớn nhất phải kể đến là chức năng bluetooth DAC/AMP. Beam 3 Plus đã được trang bị thêm chức năng chơi nhạc qua bluetooth với chip bluetooth cao cấp CSR8675 của Qualcomm. Điều này đồng nghĩa với việc Beam 3 Plus sẽ hỗ trợ tất cả những codec mới nhất trên thị trường hiện nay như LDAC, aptX HD, aptX, SBC và AAC. Với hỗ trợ LDAC thì khả năng chơi nhạc lossless qua bluetooth trên Beam 3 Plus là một điểm cộng lớn so với những đối thủ.
Chip DAC trên Beam 3 Plus cũng được nâng cấp lên thành ES9281AC cho khả năng giải mã PCM lên tới 32bit/768kHz, cũng như giải mã DSD512. Nếu xét về khả năng giải mã thì Beam 3 Plus hiện có thể chơi được hết tất cả các định dạng nhạc có trên thị trường hiện nay một cách dễ dàng. Ngoài ra thì việc hỗ trợ giải mã MQA cũng không thể thiếu trên Beam 3 Plus.
Về cổng output cho tai nghe thì nay trên Beam 3 Plus đã hỗ trợ cả 2 cổng là 3.5SE và 4.4 Balanced với Dual OP-Amp cho cả 2 cổng output này. So với các đời cũ chỉ hỗ trợ 1 cổng output thì việc nâng cấp lên 2 cổng output trên Beam 3 Plus cũng sẽ giúp chúng ta phối ghép cũng như lựa chọn tai nghe một cách dễ dàng hơn.
Hãng cũng còn công bố Beam 3 Plus sẽ hỗ trợ 3 mức Gain (Low/Middle/High) với output có thể lên tới 27.78mW ở 600 Ohm trên cổng 4.4 Balanced và 7mW ở 600 Ohm trên cổng 3.5SE. Đương nhiên để tối ưu công suất nhằm phát huy hết khả năng của tai nghe thì kết nối 4.4 Balanced sẽ có nhiều lợi thế hơn so với cổng 3.5SE.
Điểm khác biệt dễ nhận ra của Beam 3 Plus so với các series Beam 2 đó chính là kích thước. Khi giờ đây kích thước của Beam 3 Plus có thể nói là gấp đôi so với các đời trước (75x39x12mm so với 53x12x10mm). Một phần là do Beam 3 Plus nay đã hỗ trợ thêm chức năng bluetooth DAC/AMP và xuất được 2 cổng output nên đã làm tăng thêm kích thước. Dù vậy thì Beam 3 Plus vẫn có thể nằm gọn trong bàn tay và bỏ túi quần một cách dễ dàng.
Chúng ta vẫn có phần viền bao quanh Beam 3 Plus bằng hợp kim mạ chrome và mặt kính 2 mặt như các đời trước. Điều này đảm bảo cho Beam 3 Plus một vẻ bề ngoài cực kỳ sang trọng. Nhưng do viền mạ chrome nên tình trạng bám vân tay là khó tránh khỏi trên Beam 3 Plus.
Đầu tiên là ở mặt kính trên, chúng ta có logo audirect nằm ở gần phía trên của mặt kính gần với đèn LED báo tình trạng sạc, dưới đó là đèn LED báo mức Gain và ở sát cạnh dưới là đèn báo tín hiệu kết nối cũng như khi chúng ta chơi nhạc, đèn này sẽ chuyển màu đỏ để báo hiệu là đang phát nhạc và chuyển màu tím khi đang giải mã MQA. Mặt kính sau chỉ có logo MQA và tên hãng.
Ở cạnh trên, chúng ta có cổng sạc USB-C và nút gạt chuyển giữa chế độ bluetooth hoặc cắm dây.
Cạnh phải chúng ta có nút nguồn kiêm nhận cuộc gọi và nút chỉnh Gain.
Cạnh trái có bộ 3 nút điều khiển nhạc gồm tăng âm lượng, dừng/phát, giảm âm lượng và tích hợp lùi bài, qua bài trên các nút tăng/giảm âm lượng. Cạnh dưới chúng ta có cổng output 3.5SE và cổng 4.4Balanced.
Với việc phân bố nút bấm đều trên các cạnh, thì việc điều khiển Beam 3 Plus sẽ linh hoạt hơn và nhanh hơn, không có tình trạng bấm nhầm giữa các nút. Các nút điều khiển cũng như nút gạt cho cảm giác bấm tốt và chắc tuy nhiên nút có kích thước hơi nhỏ, đôi khi dễ bấm hụt. Cổng 3.5 và cổng 4.4 đều chắc chắn cho cảm giác cắm rút tai nghe cực kỳ chắc chắn.
Đầu tiên là khi sử dụng Beam 3 Plus ở chức năng bluetooth DAC/AMP. Nhờ chip bluetooth CSR8675 cao cấp của Qualcomm nên trải nghiệm bluetooth trên Beam 3 Plus là hoàn toàn ổn định, không có tình trạng mất kết nối cũng như khoảng cách kết nối tốt lên tới 9m (không vật cản). Hãng Hilidac không công bố dung lượng pin cho Beam 3 Plus nhưng trên thực tế thì kết nối với iPhone phát nhạc từ Apple Music, sử dụng Gain Low với mức âm lượng 50% thì Beam 3 Plus tiêu khoảng 20% pin cho một giờ nghe nhạc. Một con số không mấy ấn tượng nhưng nếu xét về công nghệ bên trong của Beam 3 Plus thì mức tiêu hao pin cũng không mấy bất ngờ.
Có một điều mình chưa hài lòng ở Beam 3 Plus đó là âm lượng trên Beam 3 Plus không đồng bộ với thiết bị khi kết nối qua bluetooth. Và do trên Beam 3 Plus không hiển thị mức âm lượng (chỉ báo ở đèn LED báo Gain khi âm lượng đạt mức tối đa) nên rất khó xác định mức âm lượng của Beam 3 Plus khi vừa kết nối. Điều này sẽ gây khó chịu khi bạn vừa kết nối với Beam 3 Plus và phát nhạc thì có thể sẽ phát nhạc ở mức âm lượng ngẫu nhiên cực lớn, ảnh hưởng đến cả tai nghe lẫn tai người. Nên lưu ý khi kết nối với Beam 3 Plus xong, hãy điều chỉnh lại mức âm lượng trước khi bắt đầu phát nhạc. Và chức năng này chỉ xuất hiện khi chúng ta sử dụng Beam 3 Plus ở chế độ Bluetooth, khi chuyển về cắm dây thì mặc định sẽ đồng bộ với âm lượng của thiết bị.
Về chất âm thì giữa chế độ bluetooth và chế độ cắm dây không có sự khác biệt khi phát cùng một chất lượng nhạc (Ví dụ Apple Music .m4a hoặc Spotify .mp3) nhưng khi chuyển qua cắm dây và chơi nhạc Lossless hoặc Tidal MQA thì sự khác biệt giữa các chi tiết trong bản nhạc thể hiện rõ ràng hơn.
Do sử dụng Dual OP-amp cho công suất đầu ra lớn nên khi sử dụng ở mức High-gain trên cổng 3.5SE sẽ có hiện tượng nhiễu nền nhẹ, có thể nghe thấy khi không phát nhạc và biến mất khi phát nhạc. Tuy nhiên trên cổng 4.4 Balanced thì không bị nhiễu nền, cho một nền nhạc tối và tĩnh.
Chất âm của Beam 3 Plus khi cắm dây qua Tidal MQA thể hiện trung tính, có phần hơi thiên sáng cùng với dải mid mượt mà.
Đây là phần ít ảnh hưởng nhất khi qua Beam 3 Plus, có một chút sâu hơn ở sub-bass cũng như độ rung được cải thiện đôi chút, mid-bass đánh lực hơn cũng như chi tiết hơn. Toàn bộ dải bass trên Beam 3 Plus thể hiện gọn gàng, đánh nhanh cũng như không bị lấn qua mid.
Dải Mid trên Beam 3 Plus thể hiện rất mượt, nhấn vào giọng vocal nữ nhiều hơn là vocal nam. Vocal nữ qua Beam 3 Plus thể hiện rất trong, nốt cao chính xác cũng như chi tiết cực tốt. Vocal nam có phần mỏng hơn, cũng như hơi chói nhẹ hơn so với vocal nữ. Nhạc cụ thể hiện trên dải mid của Beam 3 Plus là khá hài hoà, trung thực, độ tách bạch tốt, một số nốt ở high-mid lên rất chính xác cũng như tròn trịa, không bị quá gắt.
Dải treble của Beam 3 Plus đánh gọn hơn, low-treble thể hiện sự leng keng tốt cũng như độ rung vừa phải. Treble không quá chói, vừa đủ sáng để thể hiện nhạc cụ, một số chi tiết của tiếng cymbal trên bộ trống chưa được thoát âm cũng như chưa trung thực lắm nhưng toàn bộ dải treble thể hiện rất hài hoà, tạo cảm giác không gian treble thoáng đãng.
Đây là điểm cộng cho Beam 3 Plus khi cải thiện về bề ngang tốt rõ rệt. Một số bản nhạc đôi lúc bị hướng xuống dưới vai, nay qua Beam 3 Plus thể hiện cao và đồng đều. Beam 3 Plus cũng cho âm hình chính xác cùng với độ tách lớp nhạc cụ tốt, một số bài với nhiều chi tiết nhạc cụ vẫn được thể hiện rất tách bạch từng nhạc cụ với nhau.
Mức Gain trên Beam 3 Plus có sự thay đổi khá giống với đàn em Beam 2SE khi cho một dải âm khá trung tính ở Low-Gain trong khi ở High-gain có dải bass được nâng lên đôi chút nhưng mid và treble có phần hơi gắt thêm.
Được Hilidac trang bị cho mình tất cả những công nghệ tốt nhất thì việc Beam 3 Plus thể hiện chất âm xuất sắc là việc không hề bất ngờ. Với thêm chức năng bluetooth DAC/AMP thì Beam 3 Plus có thêm điểm cộng cho kết nối đa dạng của mình.
Chất âm khoẻ khoắn, trung tính chi tiết cao là những điểm mạnh của Beam 3 Plus. Khi không quá tập trung để nâng một dải nào lên, Beam 3 Plus mang lại chất âm trung tính nhằm hoàn chỉnh chất âm của tai nghe được kết nối giúp chúng ta trải nghiệm âm nhạc ở một mức cao hơn.
Khi Beam 2 và Atom 2 đang đấu tranh trong phân khúc Portable DAC/AMP tầm thấp thì ở phân khúc trung/cao cấp của Beam 3 Plus thể hiện tốt và mang nhiều ưu điểm hơn khiến cho sự lựa chọn nâng cấp lên Beam 3 Plus là một lựa chọn cực kỳ đáng cân nhắc ở thời điểm này.
Nguồn: Tự đánh giá
[Products:3729]