Huyền thoại Walkman là một cuộc cách mạng về âm thanh cầm tay khi nó lần đầu tiên được ra mắt vào năm 1979 bởi Sony. Công nghệ băng Cassette đưa tới cho những fan yêu nhạc trải nghiệm âm thanh chất lượng cao với một mức giá cực kỳ thuyết phục. Và rồi, nó cũng đã chinh phục được gần như toàn bộ thế giới thời kỳ đó. Tôi kể câu chuyện này và nó có khá nhiều điểm tương đồng với chiếc tai nghe đến từ Shuoer, từ công nghệ cho đến tên gọi - “TAPE”
Shuoer TAPE trình làng với mức giá chỉ hơn 3 triệu đồng. Phân khúc này cũng đang có rất nhiều gã đồng hương có máu mặt như KZ hay Tin Hifi chiếm đóng. Các sản phẩm của họ đều được coi là “sát thủ tầm giá” vì hiệu suất vô cùng ấn tượng so với giá thành. Shuoer rõ ràng là một cái tên rất non trẻ, chỉ mới thành lập từ 2016, vậy lấy gì để họ có thể địch lại được những đối thủ kia. Đó chính là công nghệ “Tĩnh điện hạ áp” lần đầu tiên được ứng dụng trong IEM với sản phẩm Shuoer TAPE.
Shuoer TAPE có cách thiết kế vỏ và đóng hộp phải nói là ấn tượng nhất trong các sản phẩm tai nghe tôi từng mở hộp.
Hộp dạng hình trụ, được chia làm 2 nửa với tông màu da cam nổi bật làm chủ đạo. Các chú thích trên hộp không hề có bất cứ dòng chữ nào nói về tai nghe, âm thanh hay thông số sản phẩm. Hoạ tiết các phím đàn piano bao quanh hộp là dấu hiệu duy nhất để chúng ta có thể nghĩ về một sản phẩm âm thanh ở bên trong. Nếu không có nó, chắc hẳn tôi sẽ nghĩ đây là một hộp đựng kẹo.
Bên trong hộp, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều phụ kiện đi kèm :
1x Hộp đựng kim loại
6x Cặp eartips
1x Dây dẫn đi kèm
1x Giắc chuyển 2.5mm ra 3.5mm (Chỉ có trên phiên bản 2.5mm)
1x Phiểu BH
Shuoer TAPE được tặng kèm hẳn một hộp đựng kim loại rất xịn xò, không hề thua kém phụ kiện trên những mẫu tai nghe hi-end đắt tiền. Chiếc hộp này cũng rất thú vị nhưng mình sẽ để các bạn tự trải nghiệm vì bài viết này tập trung vào nhân vật chính của chúng ta - Shuoer TAPE.
Giống như cái tên của mình, thiết kế của Shuoer TAPE được lấy cảm hứng từ những chiếc băng Cassette cổ. Chúng ta có thể thấy hoạ tiết này trên mặt ngoài của tai nghe. Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng Shuoer TAPE có khả năng thay đổi chất âm thông qua các lỗ có hình dạng giống những con ốc kia nhưng thực tế thì không phải vậy. Nó đơn giản chỉ là để trang trí mà thôi.
Housing có kích thước rất gọn gàng với phần tiếp giáp tai người đeo được bo cong mềm mại. Ống thoát âm trên Shuoer TAPE đặt nghiêng và khá dài. Điều này sẽ giúp tai nghe dễ dàng tháo lắp eartips cũng như cho độ bám tai tốt hơn.
Toàn bộ thân housing của Shuoer TAPE được chế tạo từ kim loại nguyên khối với những đường nét tinh xảo. Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy chiếc tai nghe này có rất nhiều đường nét và góc cạnh nhỏ nhưng chúng đều được xử lý chính xác và vô cùng mượt mà. Bề mặt được đánh nhám sơn tĩnh điện nhìn có vẻ lì lợm và bền bỉ hơn.
Shuoer TAPE sử dụng connector MMCX giống hệt với các sản phẩm của Tin Hifi hay BGVP. Do đó rất dễ để tìm kiếm dây dẫn nâng cấp cho chiếc tai nghe này.
Về phần dây đi kèm, Shuoer công bố chất liệu dây là đồng OFC độ tinh khiết tới 99,9999% cho khả năng truyền dẫn âm thanh rất tốt. Cái đó thì lát chúng ta sẽ thử nghiệm thực tế nhưng cảm quan bên ngoài, thực sự đây là một sợi dây đi kèm rất chất lượng. Lớp vỏ trong suốt để lộ ruột đồng ở bên trong. Phần giắc cắm, ngã 3 chia dây và connector đều làm từ kim loại được CNC cho chi tiết rất sắc nét và độ bền cao. Phiên bản tôi đang có ở đây sử dụng giắc cắm 2.5mm Balanced nên được tặng kèm một giắc chuyển sang 3.5mm Single End nữa. Giắc chuyển dạng chữ L khá gọn gàng và cũng được làm rất ổn.
Tổng kết ở phần này, thiết kế và hoàn thiện của Shuoer TAPE là không có điểm trừ. Tất cả đều được làm quá tốt với mức giá này.
Điều thú vị và làm cho Shuoer TAPE trở nên đặc biệt phần lớn nằm ở công nghệ driver trên chiếc tai nghe này. Thật khó để giải thích những lý thuyết phức tạp về công nghệ này vì thực sự tôi không phải là một kỹ sư vật lý và các bạn cũng vậy. Do đó tôi sẽ tóm gọn những đại ý để các bạn có thể thấy sự đặc biệt trên Shuoer TAPE.
Từ trước tới giờ, chúng ta chỉ bắt gặp công nghệ tĩnh điện trên những chiếc tai nghe hi-end. Điều khiến cho những chiếc tai nghe tĩnh điện trở nên đắt đỏ là do chúng cần những bộ amplifier đặc biệt để có thể tạo ra điện áp đủ lớn làm rung màng loa. Cồng kềnh và tốn kém là những thứ đã nằm trong tiềm thức của rất nhiều người chơi âm thanh.
Shuoer TAPE thì khác. Theo phần mô tả trên Aliexpress, Shuoer TAPE được trang bị một driver dynamic 10mm hiệu suất cao gắn kèm một mạch tĩnh điện hạ áp. Do đó, đây không phải là chiếc tai nghe thuần tĩnh điện mà là một thiết kế lai giữa công nghệ dynamic và electrostatic.
Một chiếc tai nghe dù được quảng cáo là trang bị công nghệ tối tân đến đâu, thiết kế đẹp đến thế nào mà âm thanh không tốt thì nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chúng ta sẽ cùng tiến nhanh tới phần đáng chờ đợi nhất : Chất âm.
Nguồn phát sử dụng để test gồm có Hiby R3 PRO và Cayin N6II.
Một điều rất tuyệt trên Shuoer TAPE đó là chúng cực kỳ dễ kéo. Bạn chỉ cần cắm nó vào một chiếc điện thoại là đã có thể nghe đủ lớn rồi. Tuy nhiên, để tai nghe đạt hiệu suất tốt nhất thì bạn vẫn nên có một nguồn phát âm thanh chuyên nghiệp.
Âm thanh tổng thể của Shuoer TAPE là sống động, giàu năng lượng với dải bass mạnh mẽ, dải mid trong trẻo và dải treble lên rất cao. Khả năng tách bạch nhạc cụ tốt. Âm trường rộng rãi và khả năng tái tạo chi tiết cực kỳ ấn tượng.
Dải trầm:
Dải bass trên Shuoer TAPE giàu về cả chất và lượng. Bass xuống được sâu, đánh rất gọn gàng và tập trung vào mid bass. Tốc độ rất tốt, bass tan khá nhanh. Không hề có hiện tượng lùng bùng, ù rền kéo đuôi khó chịu. Kết cấu của dải trầm chặt chẽ, có sức nặng tốt và mượt mà chứ không bị vón cục.
Với chất bass này, Shuoer TAPE chơi tốt gần như tất cả các thể loại nhạc từ chậm cho tới nhanh.
Dải mid:
Dải mid trong trẻo và được nhấn vào phần high mid ở khoảng 3-4kHz. Cùng với sự nhấn mạnh ở dải bass trước đó nên trong một số bản nhạc, bạn sẽ cảm thấy dải mid trên Shuoer TAPE bị lùi lại. Cả giọng nam và giọng nữ đều được thể hiện tốt, trung tính và có độ dày ở mức trung bình. Chi tiết của nhạc cụ là rất tốt và tách bạch. Shuoer TAPE làm lộ rõ cả những tiểu tiết trong bản nhạc như tiếng tí tách khi móng tay chạm dây đàn hoặc tiếng nuốt nước bọt của ca sĩ khi lấy hơi. Lỗi ở những bản thu sẽ bị phơi bày rõ ràng khi nghe trên chiếc tai nghe này.
Vì đoạn tăng cường ở 3-4kHz, nhạc cụ trở nên sắc nét và giọng hát trở nên bay bổng hơn. Điều này cũng kéo theo tác dụng phụ là bạn có thể gặp phải hiện tượng sibilant nhẹ ở những bản nhạc có bản thu xử lý không tốt.
Dải treble:
Đây là dải âm thể hiện sức mạnh áp đảo tất cả các đối thủ cùng tầm giá của Shuoer TAPE. Nhìn vào đồ thị âm thanh, trên các tai nghe thông thường dải treble sẽ bị roll-off khá nhanh sau khoảng 10kHz. Shuoer TAPE mở rộng dải treble lên tới gần 17kHz làm cho dải treble trở nên cực kỳ ấn tượng. Nó không hề thừa năng lượng đến mức chói gắt gây khó chịu mà nó rất giòn giã và chi tiết. Có nhiều không khí trong dải âm này để cho nó trở nên thoáng đãng và dễ nghe. Màu âm của dải treble rất trung tính, sát với âm thanh gốc bản nhạc.
Âm trường :
Rộng và có chiều sâu hơn hầu hết các đối thủ cùng tầm. Cảm giác không gian sân khấu như trong một rạp hát hơn là một phòng thu. Giọng hát của ca sĩ nằm chính giữa và các nhạc công được dải chính xác ở phía sau. Khả năng tác lớp của các nhạc cụ cũng khá tốt. Âm thanh bao trùm và tạo được cảm giác sân khấu 3 chiều.
SO SÁNH VỚI Tin Hifi P1
Tin Hifi P1 được trang bị driver từ phẳng giúp đem lại khả năng tách lớp ấn tượng và màu âm trung tính. Điều khác biệt lớn nhất giữa 2 mẫu tai nghe này nằm ở dải bass. Phần sub-bass của Shuoer TAPE xuống sâu, có độ rung và sức nặng tốt hơn rất nhiều. Tin Hifi P1 bass sẽ tuỳ thuộc nhiều vào nguồn phát nhưng nó chỉ tập trung chủ yếu vào mid-bass và không có được kết cấu chặt chẽ như Shuoer TAPE.
Nơi mà Tin Hifi P1 toả sáng đó là độ chi tiết vượt trội. Khả năng tách bạch nhạc cụ, tách lớp trong khi vẫn giữ được sự trung tính trong màu âm. Shuoer TAPE thì bị nhấn vào quãng high-mid cũng mang lại chi tiết tốt nhưng cảm giác âm không đầy đặn và làm âm sáng hơn mức bình thường.
Tin Hifi P1 tập trung chủ yếu và dải mid trong khi Shuoer TAPE thì tập trung và bass và treble. Âm của Shuoer TAPE ấm hơn và V-Shape nên nghe vui vẻ và sôi động hơn.
Âm hình và khả năng tách bạch nhạc cụ của Tin Hifi P1 vượt trội hơn nhưng chiều sâu của sân khấu lại thua kém so với Shuoer TAPE. Shuoer TAPE có sân khấu cao hơn nhưng lại thiếu chính xác về âm hình hơn khi so với P1.
Trong khía cạnh độ thoải mái khi đeo và cách âm. Cả 2 đều cho cảm giác đeo rất tốt nhưng Shuoer TAPE cho độ cách âm tốt hơn do ống thoát âm dài hơn. Cả 2 đều được hoàn thiện tốt từ kim loại, rất bền chắc.
KẾT LUẬN
Thực sự chất lượng hoàn thiện và chất âm của Shuoer TAPE quá tốt so với giá của nó. Mặc dù không đạt tới độ hoàn hảo, Shuoer TAPE vẫn là chiếc tai nghe ghi dấu vào lịch sử âm thanh thế giới khi đưa công nghệ tĩnh đến tới mức giá phổ thông. Đây là một trải nghiệm cho những người muốn thấy sự khác biệt của công nghệ tĩnh điện danh tiếng.
Shuoer TAPE được trải nghiệm miễn phí tại tất cả các chi nhánh của Xuân Vũ Audio trên toàn quốc!
[Products:2632]