Bí kíp chọn mua tai nghe chuẩn không cần chỉnh

Bí kíp chọn mua tai nghe chuẩn không cần chỉnh

Cập nhật : 03-08-2020, 11:30 am - Lượt xem : 19.480

Sống trong thời đại công nghệ thông tin mà không có lấy cho mình một chiếc tai nghe thì đúng là thảm họa. Vậy thì việc cần làm là sắm ngay cho mình một chiếc tai nghe mới. Thế nhưng câu chuyện lại không đơn giản như vậy, làm thế nào để chọn được một chiếc tai nghe thật đúng ý mà lại hợp giá tiền đây. Bài viết này chắc chắn sẽ giúp bạn tìm ra chiếc tai nghe chuẩn nhất dành riêng cho bạn, bởi quyết định của chính bạn chứ không phải ai khác.

Bước 1: Trả lời câu hỏi : “Bạn cần gì ở một chiếc tai nghe”

Nghe đơn giản nhỉ? Nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn. 

Bạn đang muốn một chiếc tai nghe có thiết kế đẹp, hoàn thiện tinh xảo, âm thanh sống động như thật, chi tiết tuyệt vời, nghe nhạc nào cũng hay và mức giá phải rẻ. 

Câu trả lời là : Không và không. Sự thật là sẽ chẳng có cái tai nghe nào điên rồ như vậy cả. Nói cách khác, điều đầu tiên là bạn cần là xoá đi "ảo giác" rằng bạn có thể sở hữu được toàn bộ tính năng "hay ho" trong một món đồ.

Bạn nên tưởng tượng ra 1 hình tam giác với 3 đỉnh là các yếu tố sau: 

1 - chất lượng âm thanh

2 - tính di động

3 - mức giá bạn có thể mua được.

Nếu như bạn hướng đến phần chất lượng âm thanh thì chúc mừng, bạn sẽ rơi vào thế giới audiophile với các mẫu tai nghe có khả năng tái tạo âm thanh cực kỳ chi tiết, sống động, chân thực và mức giá đa phần là "trên trời". 

Trong trường hợp bạn muốn chi ít tiền nhất có thể, hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận chất lượng âm thanh "tuột dốc không phanh", thiết kế nhàm chán và độ bền thường tỉ lệ thuận với mức tiền bỏ ra. 

Nếu bạn cân nhắc về tính di động thì bạn nên tìm hiểu về các thuật ngữ cơ bản mà mình sẽ nói ở phía sau. Nó bao gồm các kiểu tai nghe chính và kết nối của chúng : có dây hoặc không.

Trước khi mở các trang web mua tai nghe online hoặc ra cửa hàng, hãy xem xét mức ưu tiên nào mà bạn thực sự quan tâm. Cái mà bạn thực sự cần và không thể sống thiếu nó? Với việc sử dụng hình tam giác tưởng tượng đã nhắc ở trên, bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi này. Việc làm tốt bước đầu tiên này cũng giúp bạn đặt ra được giới hạn chi tiêu, hay nói cách khác, "hầu bao" của bạn chính là một điều kiện mà bạn nắm rõ nhất, giúp bạn chống lại sự thu hút của các mẫu tai nghe ở trên các tấm poster sặc sỡ cùng hàng loạt tính năng đi kèm nghe có vẻ hấp dẫn. 

Bước 2: Tìm hiểu cơ bản

Chúng ta sẽ tìm hiểu về 4 loại tai nghe chính, phân biệt qua kích thước cách đeo. 

Tai nghe Over-ear: kiểu tai nghe bao phủ hết đôi tai của bạn và thường có kích thước to nhất, cho âm thanh tốt nhất trong 3 loại nghe.

Kiểu tai nghe này cũng không có thiết kế nhỏ gọn và gập lại được, chúng bỏ đi tính di động để đổi lại được sự thoải mái hơn, cũng như cho âm thanh hay hơn với các bộ phận to. Tai nghe over-ear hay nhất thế giới vẫn còn là 1 vấn đề gây tranh cãi, nhưng đã số người dùng sẽ chọn các thương hiệu nổi tiếng và các mẫu tai nghe over-ear có thiết kế dạng open-back để có chất lượng âm thanh cao nhất. 

Tai nghe On-ear: đây là kiểu tai nghe có tiềm năng nhất trong cả 3 - chất âm ở mức khá-tốt, chống ồn hiệu quả với các kiểu closed-back và có tính di động cao (mặc dù vẫn hơi to với với các kiểu tai nghe nhét tai).

Có một số lựa chọn tiêu biểu với dòng tai nghe này như T51i của Beyerdynamic và "huyền thoại" Koss Porta Pro. 

Tai nghe In-ear: có chất âm hay không kém các mẫu tai nghe over-ear và thậm chí chúng còn gọn hơn các mẫu tai nghe on-ear. Vậy tại sao chúng ta lại đắn đo lựa chọn trước kiểu tai nghe hấp dẫn như vậy?

Câu trả lời là ngay cả những chiếc tai nghe in-ear thoải mái nhất thì vẫn không thực sự thoải mái như chúng ta nghĩ. Đối với chiếc tai nghe in-ear có chất âm tốt nhất như Campfire Solaris, thiết kế của nó bắt buộc bạn phải cắm tai nghe sâu vào ống tai. 

Tai nghe Earbud: là loại tai nghe nhỏ gọn và cho cảm giác đeo thoải mái, dễ chịu nhất.

Với tai nghe earbud, bạn chỉ đeo housing ở phần khoang ngoài tai mà không cần sử dụng đến eartips nhét sâu vào trong tai như tai nghe in-ear. Đây cũng là loại tai nghe bỏ túi đầu tiên được phổ biến, chúng xuất hiện bên cạnh các máy nghe nhạc Walkman hay iPod thế hệ đầu tiên. Sau này ta còn gặp chúng đi kèm với các mẫu điện thoại, điển hình là Earpod của Apple. Tai nghe Earbuds thường phải hy sinh dải bass do cấu tạo đeo của mình. 

Bước 3: Xác định cách dùng của bạn

Đọc đến đây thì chắc có lẽ bạn cũng đã nắm được một số thông tin quan trọng như: tài chính, khả năng phân biệt các kiểu tai nghe và ý thức về các ưu tiên của bạn. Giờ là lúc xâu chuỗi các điều này lại với nhau và kết hợp với mục đích sử dụng tai nghe chính của bạn. 

Sau đây là một số ví dụ phổ biến về cách dùng tai nghe: 

- Tai nghe sử dụng trong môi trường văn phòng

Bạn có thể sẽ sử dụng nó trong thời gian dài nên độ thoải mái của tai nghe phải thật cao để chúng không trở thành thứ khiến bạn xao lãng. Nếu văn phòng có nhiều tạp âm, hãy thêm tiêu chí về khả năng chống ồn hay chí ít là độ cách âm để bạn không phải bận tâm đến xung quanh. Do đa phần khi làm việc tập trung, bạn sẽ ngồi một chỗ nên không cần quá ưu tiên cho các mẫu tai nghe không dây nếu tài chính không dư dả. Các lựa chọn khả dĩ ở đây có thể là tai nghe chống ồn chủ động có dây của Sennheiser hoặc một số mẫu IEM của qdc với khả năng cách âm thuộc loại tốt nhất hiện giờ.

- Tai nghe sử dụng khi di chuyển trên tàu xe, máy bay :

Khá trùng hợp khi tiêu chí chọn tai nghe khi đi làm hoặc di chuyển trên các chuyến bay dài lại tương tự như tai nghe văn phòng. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên cho những mẫu tai nghe không dây bởi vì chúng sẽ cơ động hơn rất nhiều. Bên cạnh đó là khả năng giảm ồn khi đàm thoại do môi trường xung quanh sẽ có rất nhiều tạp âm khiến việc liên lạc của bạn gặp khó. Các mẫu tai nghe tích hợp chống ồn chủ động cùng giảm ồn, lọc ồn khi đàm thoại không dây tối tân nhất hiện nay có thể kể đến dòng 1000X của Sony, Sennheiser Momentum Wireless 3 hay các dòng tai nghe cao cấp của Jabra. 

- Tai nghe để chơi game hay xem phim :

Các mẫu tai nghe này thường sẽ không chú trọng vào độ chi tiết và chính xác trong âm thanh như những mẫu tai nghe kiểm âm, thay vào đó các dòng tai nghe này sẽ chú trọng đến việc tái tạo vị trí tiếng động thật tốt. Thường các game thủ sẽ cần một chiếc tai nghe có thể thể hiện được vị trí phát ra tiếng động như bước chân hay tiếng súng để tác chiến. Mặt khác, những mẫu tai nghe này thường có dải bass khá dày để các hiệu ứng cháy nổ thêm phần hoành tráng.

- Tai nghe thể thao :

Đây là một loại tai nghe thường được tìm kiếm khá nhiều, và dĩ nhiên có hàng loạt mẫu tai nghe khác nhau với đủ loại “thượng vàng hạ cám” khiến cho bạn bị chóng mặt. Tiêu chí cho loại tai nghe này đầu tiên là khả năng chống nước, mồ hôi, độ cơ động và cuối cùng mới tới chất âm. Đa phần các mẫu tai nghe thể thao hiện đại đều có thiết kế không dây để tăng tính cơ động và chất âm thường nhấn vào dải bass để tăng kích thích khi luyện tập. 

- Tai nghe thưởng thức :

Nếu bạn là một người đam mê âm thanh hay nhà sản xuất âm thanh chuyên nghiệp thì lựa chọn tai nghe cao cấp sẽ không là vấn đề gì. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn là người đang muốn đi sâu vào con đường chơi tai nghe cao cấp thì có thể tham khảo các tên tuổi lớn sau: Meze Audio, Sennheiser, Hifiman, Audio-Technica, 64 Audio, Final Audio, Campfire Audio… Nói chung, khi đã đạt đến “trình độ” này thì việc mua tai nghe cũng quan trọng như là mua một chiếc xe vậy. Bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi mua. 

Bước 4: Đọc review - Nghe thử

Nếu đã đến được bước này thì có lẽ bạn cũng đã lên được danh sách tai nghe mà mình cần rồi. Giờ hãy tìm đọc các bài đánh giá, cảm nhận (review) về chúng. Tìm nguồn đọc review cũng khá đơn giản: bạn có thể tìm ở trên internet với các trang web về âm thanh (tainghe.com.vn), Youtube, hoặc các diễn đàn, group cộng đồng dành cho giới mê tai nghe như Head-Fi, HN4BTN, Thảo luận tư vấn tai nghe... Phần tiện lợi ở các diễn đàn là bạn có thể nêu thắc mắc và đợi câu trả lời từ ai đó biết rõ hơn.

Việc nghe thử sau khi đọc review là cách tốt nhất để bạn quyết định có nên mua hay không. Hiện nay các cửa hàng âm thanh rất sẵn lòng cho khách nghe thử trước khi mua hàng. Nên tập trung vào những mẫu mà bạn đã lên list sẵn ở nhà, tránh lãng phí thời gian vào những lựa chọn khác. Bạn sẽ bị làm nhiễu sóng và khó đưa ra được quyết định theo mong muốn của mình.

Có những mẫu tai nghe khá dễ đánh giá và có mẫu cần phải nghe hàng giờ để thẩm định rõ ràng. Tuy nhiên có một số tips mà tôi hay dùng để tiết kiệm được thời gian và công sức có thể giúp được các bạn khi đi nghe thử tai nghe :

+ tai nghe có dễ chịu không, có bị đau, nóng hay cấn tai hay không

+ tai nghe over-ear và on-ear chắc chắn sẽ bị nóng tai, nếu bạn mua các loại tai nghe này vào mùa hè, hãy chắc chắn rằng phòng có điều hòa. 

+ quan sát thật kỹ các chi tiết trên tai nghe để kiểm tra độ hoàn thiện. Hãy ưu tiên các tai nghe có khung đeo bằng kim loại nếu bạn chọn tai nghe trùm đầu do chúng có độ bền tốt hơn. 

+ nếu là tai nghe in-ear, hãy nhớ đeo loại eartips vừa vặn nhất. Chỉ cần đeo sai cỡ eartips, bạn chắc chắn sẽ đánh giá sai chất âm chiếc tai nghe đó. Rất nhiều người mắc phải lỗi sơ đẳng này.

+ với tai nghe earbuds, hãy nhớ đeo bông đệm để có trải nghiệm đầy đủ nhất. Đừng xem thường phụ kiện nhỏ này

+Tai nghe không dây hiện đang là xu thế của thị trường. Nếu đang chọn một chiếc tai nghe kiểu này, hãy để ý đến các thông số như thời lượng hoạt động của pin, thời gian sạc để đưa ra quyết định phù hợp.

Bước 5 - Bước quan trọng nhất : Hài lòng với quyết định của mình

Bất kể lựa chọn cuối cùng của bạn là gì, điều quan trọng nhất mà tôi muốn ở bạn là đừng nghi ngờ ở bản thân nữa. Một khi đã lựa chọn xong, bạn cần dừng ngay việc đọc review, lên mạng hỏi han và ngưng so sánh trong đầu mình. Sự lo lắng và sợ hãi về việc “thiếu sót” sẽ ám ảnh bạn cho đến khi bạn tự thuyết phục bản thân rằng còn có chiếc tai nghe khác tốt hơn, hoàn hảo hơn. Và rồi bạn sẽ chẳng còn thực sự chú tâm vào âm thanh âm nhạc nữa.

Dĩ nhiên, trên đời này không có gì là hoàn hảo và điều tốt nhất mà ta có thể làm là tìm được một chiếc tai nghe phù hợp nhu cầu với ít nhược điểm nhất có thể. Và hãy cứ thong thả mà nhấm nháp âm nhạc trên chiếc tai nghe đi của bạn bởi vì một khi đã đam mê với bộ môn này, bạn sẽ không dừng lại ở 1 chiếc tai nghe đâu. 

LỜI KẾT

Bài viết này là kinh nghiệm được đúc kết từ trải nghiệm thực tế của người viết bài, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn sớm tìm được chiếc tai nghe ưng ý nhất của mình và có những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời nhé.

👉 Bạn sẽ tiếc nuối nếu bỏ qua : Nơi mua tai nghe giá cực hời - Bảo hành chính hãng 👈

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

avatar
Lâm

Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả.

(30/122021 17:51)
avatar
MT QTV Adminitrastor

Dạ shop cảm ơn bạn nha

(31/122021 08:55)
avatar
Nguyễn Đức Cường

Bài viết rất hay và đánh trúng tâm lý của những người hay mua tai nghe như mình. Cảm ơn tác giả nhé ;)

(12/082020 14:48)
avatar
Le Truong

Đồng quan điểm, đọc review thì cũng chỉ để tham khảo thôi, nghe thử vẫn là chuẩn nhất. Review thì nên đọc nguồn uy tín một chút các bác ah.

(10/082020 10:21)
Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất