TFZ X1: Tai nghe IEM True Wireless đầu tiên trên thế giới

TFZ X1: Tai nghe IEM True Wireless đầu tiên trên thế giới

Cập nhật : 02-02-2019, 10:07 am - Lượt xem : 8.369

 

TFZ đã được biết đến nhiều ở Việt Nam thông qua các mẫu tai nghe IEM có kiểu dáng đẹp, hoàn thiện tốt, chất âm rất ấn tượng cùng mức giá vô cùng dễ chịu. Trong xu thế không dây hóa đang diễn ra ngày một mạnh hiện nay, TFZ cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Và vào đầu 2019 mới đây, hãng đã cho ra mắt mầu tai nghe IEM True-Wireless đầu tiên của mình và cũng là mẫu IEM True-Wireless đầu tiên trên thế giới có tên gọi TFZ X1. Liệu rằng những tai nghe IEM với âm thanh tham chiếu đã đến lúc biến thành không dây, hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.

 

 

ĐÓNG HỘP TFZ X1

Cách thiết kế và đóng hộp của TFZ X1 làm mình nhớ đến cách đóng hộp sản phẩm của táo khuyết. Không màu mè, cực kỳ tối giản nhưng lại toát lên cái vẻ chanh xả. Trên vỏ hộp cũng chẳng có gì nhiều ngoài tên sản phẩm, logo TFZ cùng một ít thông tin nhà sản xuất.

 

tfz x1 đóng hộp


Bên trong chúng ta có một chiếc hộp lại còn đẹp và tuyệt vời hơn nữa. Đây chính là chiếc hộp sạc của TFZ X1 nhưng tạm thời bỏ chiếc hộp này qua một bên đã và để xem TFZ cho chúng ta những phụ kiện gì.

 

tfz x1 phụ kiện

 

Phụ kiện đi kèm bao gồm 6 cặp tips silicon có kích thước khác nhau đảm bảo ai cũng có thể đeo vừa chiếc tai nghe này. 1 cọng cáp sạc micro USB và 1 quyển sách hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Chúng ta không có củ sạc đi kèm. Cũng dễ hiểu thôi vì mình cũng chưa thấy hãng nào tặng củ sạc đi kèm cho tai nghe bao giờ cả.

 

THIẾT KẾ TFZ X1

Vừa rồi mình có nhắc đến cái hộp và bây giờ chúng ta sẽ lại quay lại để nói về cái hộp. Trước đây thì mình đã có cơ hội trên tay một số ít các sản phẩm tai nghe True Wireless sơ sơ gồm có Apple Airpod, Sony WF-1000X, Bose SoundSport Free, Jabra Elite 65t, Pamu Scroll, Pamu x13, NuForce Free, JBL Free, BlueAnt AirPump...Thì mình có thể khẳng định rằng đây là chiếc hộp sạc đi kèm đẹp nhất mà trước giờ mình từng được động tay vào.

 

case sạc tfz x1

 

Toàn bộ thâm hộp này được làm bằng nhôm nguyên khối , cầm khá đầm tay (có thể là do cả cục pin dung lượng lên tới 2600mAh ở bên trong nữa). Hoàn thiện tinh xảo, phần ngoài được xử lý bề mặt sơn nhám và được bo cong cực mạnh cho cảm giác cầm như cầm tay người yêu vậy. Ở trên mặt hộp, logo TFZ được in sắc sảo ở chính giữa, đơn giản mà tinh tế. Dưới đáy hộp là tên và một chút thông số kỹ thuật về hộp sạc này. Ở cạnh hông chúng ta có 1 cổng sạc Micro USB và 1 cái lỗ đèn báo nhỏ ở bên cạnh.

 

tfz x1 tinh xảo

 

Và đây, nhân vật chính của chúng ta đã lộ diện. Gọi chiếc không đúng mà phải là cặp TFZ X1 đang nằm e ấm chờ mình đến giải cứu đây rồi.

 

tfz x1 thiết kế cực đẹp

 

Đúng như cái tên của nó, TFZ X1 không phải là một chiếc tai nghe True Wireless bình thường mà nó là một chiếc IEM True Wireless. Phần housing của em nó có hình dạng giọt nước giống những tai IEM truyền thống của TFZ. Trọng lượng cầm trên tay cũng rất nhẹ, theo như thông số NSX thì nó nặng chưa đến 5g cho 1 bên tai.

 

TFZ X1 sẽ có tất cả 4 màu sắc khác nhau : Xám ánh kim, Xanh blue, đỏ và hồng. Mỗi phiên bản màu sắc sẽ có hộp đựng màu tương ứng đi kèm. Hiện tại thì mình thấy nhiều nhất là 2 màu xanh và xám thôi.

 

Phần faceplate ở mặt trước không phải bằng kim loại. Mình cũng bị nhầm tưởng rằng TFZ X1 làm housing bằng kim loại do cho nó tông xuyệt tông với cái hộp nhưng không phải. Làm bằng nhựa sẽ nhẹ hơn, thu sóng tốt hơn. Ở đoạn đuôi giọt nước chính là lỗ thu của micro bên trong. Mic này được TFZ công bố là có khả năng lọc tiếng ồn môi trường khi đàm thoại, cho cuộc gọi trong trẻo hơn, cái này tí nữa mình sẽ test sau.

 

tfz x1 đẹp mê hồn

 

Phần housing liên kết với faceplate một cách rất liền lạc, không có chút nhựa thừa nào cả. Tổng thể thiết kế của TFZ X1 vừa độc đáo vừa đẹp mắt, hoàn thiện rất tốt, không có điểm gì để chê trách cả.

 

CÔNG NGHỆ TRÊN TFZ X1

Ngoài chất âm ra thì đây lúc nào cũng là phần làm mình hứng thú nhất trên những sản phẩm tai nghe true wireless.

TFZ được trang bị những công nghệ mới nhất và xịn xò nhất của một chiếc tai nghe True-Wireless trên thị trường hiện tại ( đấy là theo như nhà sản xuất công bố nhé )

cấu hình trên tfz x1

Chúng ta có chuẩn kết nối Bluetooth mới nhất 5.0 cho khả năng kết nối tốt hơn, sóng ổn định hơn. Theo như mình tìm hiểu được thì TFZ X1 hỗ trợ 2 codec Bluetooth là SBC và AAC. Đây là 2 codec phổ thông được trang bị trên đa phần các tai nghe True-Wireless hiện tại nên mình sẽ không nói sâu vào phần này nữa.

tfz x1  sử dụng bluetooth 5.0

Tiếp đến là khả năng chống nước lên tới IPX7 ( một số trang ghi là IP67 nhưng mình có tham khảo các nguồn tiếng Trung thì họ ghi là IPX7 thôi ). Điều này có nghĩa là bạn có thể đánh rơi TFZ X1 xuống nước, nhặt lên, lau khô và đeo vào tai như chưa hề có cuộc chia ly. Tin được hay không thì cùng thử xem ở phần sau nhé. Nếu đúng như vậy thì TFZ X1 đang là tai nghe True Wireless chống nước mạnh nhất thế giới rồi. Các sản phẩn ra mắt năm 2018 thì chỉ có Jabra Elite 65t Active cao nhất là IP45 mà thôi.

tfz x1 chống nước mạnh mẽ

Pin trên TFZ X1 có thời gian hoạt động liên tục lên tới 7h. Một trong những sản phẩm có pin dài và lâu nhất trong giới True-Wireless hiện tại. Trung bình các mẫu đình đám như Apple Airpod hay Bose SoundSport Free thì pin cũng chỉ trụ được đến 5h là cùng.

tfz x1 pin khủng

TFZ X1 được trang bị 1 driver BA toàn dải thay vì driver Dynamic truyền thống cho âm thanh có độ phân giải tốt hơn, chi tiết hơn và hoạt động ổn định hơn. TFZ X1 cũng là một trong những chiếc True Wireless đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ driver này.

tfz x1 âm thanh tốt

TFZ còn đưa vào một vài tính năng rất hay ho khác. Đó là công nghệ lọc tiếng ồn CVC cho phép giảm tiếng ồn môi trường khi thực hiện đàm thoại, giúp giọng nói trở nên trong hơn.

tfz x1 đàm thoại hoàn hảo

Chưa hết, TFZ X1 còn có 1 khả năng cực kỳ bá đạo nữa. 2 chiếc tai nghe này bình thường sẽ hoạt động như 1 cặp tai nghe thống nhất nhưng khi cần thiết, chúng có thể tách thành 2 tai nghe riêng biệt. Có nghĩa là bạn sử dụng một bên tai, tai còn lại bạn cho người khác mượn bình thường, thật là vi diệu. Tính năng này thì lát nữa mình cũng sẽ test sau.

tính năng độc đáo tfz x1

 

TRẢI NGHIỆM TRÊN TFZ X1

Phần quan trọng nhất của một bài đánh giá đây rồi, không để các bạn phải chờ lâu nữa.

 

Độ ổn định của kết nối

Điều mà cần quan tâm nhất của một chiếc tai nghe True-Wireless theo mình nghĩ đó chính là kết nối. Cho dù đó có là một chiếc tai nghe có chất âm hay cỡ nào, công nghệ nhiều ra sao mà trải nghiệm nghe bị đứt đoạn thì đó quả thực là một thảm họa đúng nghĩa. Thật may mắn vì TFZ X1 được trang bị Bluetooth 5.0. Theo như hãng công bố thì khoảng cách kết nối tối đa lên tới 20m, để kiểm chứng thì mình đã đeo TFZ X1 ở trong nhà và khi đi ngoài đường xem sóng sánh và độ ổn định ra sao. Phòng mình rộng khoảng hơn 10m, mình đặt điện thoại ở góc phòng và đi ra sát ngoài cửa. Kết nối rất tốt, không bị đứt quãng trong suốt 30p liên tục, rất ấn tượng với khả năng thu sóng của em nó. Mình đi ra ngoài cửa và đóng cửa lại, kết nối bắt đầu có hiện tượng suy yếu dần do bị tường cản, nhạc bị ngắt quãng đôi chút những vẫn chưa tắt hẳn. Mình tiếp tục chạy lên cầu thang tầng trên thêm khoảng 3m nữa, lúc này kết nối bị rớt rất nhiều, nhạc bị giật cục và thêm khoảng 2m đến nhà vệ sinh thì nhạc đứt hẳn. Vậy mình có thể kết luận tầm hoạt động tốt nhất của TFZ X1 là trong khoảng 10m đổ lại, cái 20m kia chỉ là quảng cáo theo lý thuyết mà thôi.

Còn khi đeo ra đường thì sao, mình có thử nghiệm chạy xe máy tốc độ khoảng 40km/h trong đường thành phố (đây là thử nghiệm, không khuyến cáo các bạn đeo tai nghe khi điều khiển phương tiện giao thông) Hiện tượng đứt kết nối là không có, hoặc may mắn là mình chưa gặp. Đi đường suốt 5km liên tục, dù ngoài đường tết xe rất nhiều và cả ô tô nữa. Kết quả ban đầu là rất khả quan.

 

Cảm giác đeo :

 

 

Trải nghiệm đầu tiên khi đưa em nó trên tai là nó cực kỳ nhỏ gọn và nhẹ nhàng. Trước kia mẫu Pamu Scroll mình đã thấy khá ấn tượng về kích thước housing nhỏ rồi nhưng với TFZ X1 thì cảm giác còn tốt hơn nhiều. Phần housing thiết kế giọt nước kiểu IEM có phần đuôi giúp định hình tai rất tốt, nó giữ cho tai không bị xoay sai vị trí khi đeo và cũng tăng đáng kể độ bám  tai. TFZ có kích thước từ faceplate đến ống thoát âm rất ngắn, do đó khi đeo trên tai không hề bị thừa, lòi ra ngoài, cộng thêm phần housing được bo cong rất mạnh nên hoàn toàn không có cảm giác bị cấn tai. Thử nghiệm rung, lắc hết cỡ, chạy nhảy khi tập GYM nhưng TFZ X1 thực sự bám như đỉa vậy, không chịu nhúc nhích khỏi tai mình. Một phần vì trọng lượng housing quá nhẹ cộng thêm độ bám tai tốt nên lực ly tâm không đủ mạnh để làm em nó bị trượt ra ngoài.

Theo cảm nhận của mình thì có lẽ đây là mẫu True-Wireless có trải nghiệm đeo tốt nhất 2019.

 

Mức âm lượng

Một điểm mình thấy cần phải lưu ý đó là âm lượng của TFZ X1. Kể cả khi đã bật ở max volume thì âm lượng cũng không quá to như khi nghe với những tai nghe có dây. Mình nghĩ rằng TFZ đã đặt ra một mức âm lượng giới hạn nào đó để bảo vệ thính lực người nhe, cũng một phần để tuổi thọ của driver cũng như thời lượng pin được tối ưu nhất.

 

Trước đây đã có nhiều người bạn của mình thắc mắc rằng tai sao tai nghe True-Wireless âm lượng lại nhỏ hơn tai nghe có dây thì mình xin được giải thích luôn. Tai nghe có dây to hay nhỏ tùy thuộc vào độ mạnh yếu của nguồn phát và trở kháng/độ nhạy của tai nghe đó. Đa phần các tai nghe trên điện thoại đều có trở thấp và độ nhạy cao cho dễ kéo. Thêm vào đó là mức công suất của điện thoại luôn được làm ở mức dư thừa để có khả năng nghe những chiếc tai nghe có trở kháng khác nhau. Do đó nên tai nghe dây khi bật max âm lượng đều kêu rất to, thậm chí một số tai có thể bị rè, hỏng màng loa do không chịu được công suất âm lượng lớn. Điều này trên các tai nghe true-wireless đã được các nhà sản xuất tính toán để đảm bảo 3 yếu tố, bạn nghe được tốt, độ bền driver và thời lượng pin sát với kết quả công bố. Thế nên nó luôn bị giới hạn lại, không có cách nào vượt quá được giới hạn này nên âm lượng trên các tai nghe TrueWireless thường nhỏ hơn đa số các tai nghe có dây.

 

Thời lượng pin

Thời lượng pin thực tế mình trải nghiệm khi nghe nhạc liên tục ở mức âm lượng 70% thì pin trụ được khoảng gần 6h. Khi vừa nghe nhạc và thi thoảng có cuộc gọi thì pin trụ được tầm 5,5h. Con số này cũng không sai lệch quá nhiều với thông số của nhà sản xuất nên mình không có gì phàn nàn về vấn đề này cả.

À có một điều lưu ý, mình gặp tình trạng là khi 1 tai nghe hết pin, bên kia vẫn sẽ hoạt động bình thường. Nhưng do mình lười, bỏ tai hết pin vào hộp sạc khoảng 5p rồi lấy ra nghe lại. Cả hai bên vẫn nghe bình thường rồi đến lần tiếp theo hết pin thì mình thấy nhạc dừng hẳn trên cả 2 tai. Có lẽ đây là tính năng ẩn để bảo vệ pin chăng. Tốt nhất thì là cứ sạc đầy cả 2 bên trước khi dùng cho lành.

 

Khả năng chống nước:

Theo như nhà sản xuất công bố, TFZ X1 có khả năng chống nước là IPX7 đồng nghĩa với khả năng có thể rửa hay kể cả ngâm nước trong một thời gian ngắn, chiếc tai này vẫn sống sót và hoạt động bình thường.

Mình đã thử nghiệm thả em nó vào cốc nước lọc trong khoảng 10p xem em nó chống chịu ra sao. Kết quả, em nó vẫn sống nhăn răng, có một chút nước dính vào phần lưới thoát âm nên lúc đầu nghe sẽ có tiếng rè rè của nước. Khi đã lau khô thì mọi thứ đều hoạt động bình thường. Chứng minh bằng lời nói thì cũng khá khó để mà các bạn hình dung được, nhưng có một điều chắc chắn đó là nếu bạn đeo tai nghe này đi dưới trời mưa thì không hề ảnh hưởng gì hết nhé.

 

Tinh năng sử dụng 2 tai nghe độc lập

Đây là một tính năng độc đáo trên TFZ X1 mà mình có nhắc đến ở phần trước. Nhưng đối với mình thì thấy nó khá rối rắm và phức tạp. Để sử dụng được tính năng này bạn phải tắt 1 bên thủ công bằng tay, như mình làm là bên trái. Sau đó giữ nút nguồn trên tai đó khoảng 3s đến khi đèn nháy xanh đỏ, dùng điện thoại khác kết nối thật nhanh trước khi 2 đứa chúng nó nhận ra nhau và bùm. Chúng ta có 2 cái tai MONO riêng biệt, mỗi tai nghe một máy, 2 tay 2 súng đúng nghĩa luôn... Nói thì dễ thế thôi chứ lúc kết nối mình phải loay hoay mất 1 lúc, mình khá là chung thủy nên tính năng này cũng chẳng mấy khi dùng, mình chỉ thấy nó làm mọi thứ rối rắm hơn thôi. Có thể nó có ích với bạn đấy, còn với mình thì không.

 

Ở thế 2 con nó chia tay rồi, giờ làm thế nào cho chúng nó “yêu lại từ đầu”. Đấy, mình đã bảo tính năng “chia tay” này chỉ làm mọi chuyện rắc rối thôi mà. Cũng may là nó không khó như mình nghĩ. Đặt chúng nó vào trong hộp sạc, nhấc ra cùng 1 lúc, nó sẽ ghép đôi lại. Vừa nãy mình thử thì con bên phải nó sẽ giữ được kết nối với điện thoại, sau đó nó ghép đôi với tai còn lại.

 

CHẤT ÂM CỦA TFZ X1

Được giới thiệu là chiếc tai IEM True-Wireless đầu tiên trên thế giới, liệu âm thanh của TFZ X1 có được “như lời đồn”. Tổng thể chất âm của em nó mình thấy rất cân bằng và dễ chịu. Nghe relax chứ không hề bụp chát như những tai nghe giá rẻ trước đây mình từng nghe. Chi tiết hơn thì chúng ta cùng đi sâu hơn nhé:

Dải bass:

Cái chất bass này mình đã từng gặp trên những chiếc tai nghe IEM sử dụng nhiều driver BA trước đây. Bass đánh khá gọn gàng, kiểm soát tốt, lực đánh tốt nhưng có vẻ không xuống được sâu lắm. Tập trung nhiều vào phần mid-bass. Cũng có chút gì đó IEM khi bass có hơi hướng tách lớp nhưng không rõ lắm. Nhưng phải công nhận, chưa có một chiếc True-Wireless nào mình nghe làm được chất bass lịch sự và sạch sẽ như thế này. Mấy mẫu giá rẻ như Pamu Scroll hay Pamu X13 thì quá nhiều về lượng và mất kiểm soát còn TFZ X1 làm với dải bass tốt hơn nhiều. Còn so với mấy anh Bose Soundsport thì chắc chắn TFZ X1 sẽ nép vế về lượng, khả năng xuống sâu.

Dải mid:

Đây là dải mà TFZ X1 theo mình thấy được làm tốt nhất. Mid ở giữa, không tiến cũng chẳng lùi, nghe rất dễ chịu và không bị mệt. Nhớ lại đây là tai nghe sử dụng duy nhất 1 driver BA thì mình lại càng thấy điều này đúng. Giọng của ca sĩ được giữ đủ dày dặn, khá tình cảm chứ không mỏng mỏng và the thé. Chi tiết trong giọng hát cũng được giữ ở mức khá. Không gặp phải hiện tượng sib. Chứng tỏ mid của TFZ X1 cũng được kiểm soát rất tốt.

Dải treb:

Dải này là dải bị mờ chi tiết nhiều nhất trên các tai nghe True-Wireless từ trước đến nay được trải nghiệm ( trừ những con âm V-Shape ) Có thể thấy rằng, dải treb trên TFZ X1 hơi hiền, hơi hiền chứ không phải là mờ nhé. Các tiếng leng keng, tiếng hihat vẫn được tái hiện rõ nhưng không sắc, đủ để giữ cho âm thanh đầy đặn và tươi sáng.

Âm trường:

Âm trường là một điểm sáng trên TFZ X1. Nó khá rộng, khoảng cách ca sĩ, các nhạc cụ được trải rộng theo chiều ngang hơn là chiều sâu. Cảm giác không gian rất thoải mái, không bị bó nghẹt như những chiếc True-Wireless giá rẻ. Dù sao thì như thế này là cũng đã quá tốt so với những chiếc True-Wireless trước đây rồi.

Tổng kết lại thì chất âm của TFZ X1 đúng là đậm chất IEM. Âm thanh chững chạc, lịch sự và tinh tế theo hơi hướng kiểm âm. Đồ thị âm khá Flat, không nhấn nhá nhiều vào dải âm nào, âm trường rộng. Chắc chắn nếu là một tín đồ âm thanh thực thụ, bạn không nên bỏ qua chất âm của chiếc tai nghe này.

 

KẾT LUẬN
Phát súng đầu tiên trong giới tai nghe True Wireless năm 2019 mang tên TFZ X1. Với những thứ mà mình đã được trải nghiệm, cả về hoàn thiện, công nghệ và chất âm thì mình thấy mừng rằng tai nghe True Wireless đang ngày càng được chăm chút và hoàn thiện hơn. Nếu có cơ hội, bạn nên thử sản phẩm này. Nếu bạn có điều kiện, thì đây là một sản phẩm không thể bỏ qua cho giới audiophile chống cháy khi đợi những chiếc tai nghe True Wireless Ultra-hiend trong tương lai.

 

Sản phẩm này hiện tại đang được phân phối chính hãng tại hệ thống của Xuân Vũ Audio. Cảm ơn Xuân Vũ đã cho mình mượn sản phẩm. Bạn nào cần có thể tham khảo tại đây nhé.

by D4viD

Nhận xét bài viết
avatar
x

Bạn cần Đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Top 10 xem nhiều nhất