GIỎ HÀNG

So sánh Moondrop SSR với các tai nghe cùng tầm giá
05-08-2020, 11:52 am

Moondrop SSR nổi lên như một hiện tượng mới trong tầm giá 1 triệu đồng. Mang trong mình thiết kế độ lạ và chất âm cũng không kém phần đặc sắc, liệu khi đặt cạnh các đối thủ cùng tầm giá, Moondrop SSR sẽ ra sao. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé

 

Moondrop SSR vs BLON BL-03

 

THIẾT KẾ VÀ HOÀN THIỆN

BLON BL-03 và Moondrop SSR có cùng kiểu thiết kế tai nghe đeo vòng qua tai. Mỗi tai nghe có ngôn ngữ thiết kế riêng, phù hợp với gu thẩm mỹ của mỗi người nên tôi sẽ không phán xét đẹp xấu mà chỉ nói đến khía cạnh tối ưu trải nghiệm đeo và sử dụng. 

Vỏ housing của BLON BL-03 có kích thước lớn, ống dẫn âm không dài cho lắm nên khi đeo trên tai, một số người sẽ cảm thấy bị cấn và vướng, đặc biệt là những người có đôi tai nhỏ. Moondrop SSR thì lại làm rất tốt bởi thiết kế nhỏ gọn tối ưu, trọng lượng nhẹ cùng ống dẫn âm dài cho phép nhét sâu vào tai giúp trải nghiệm đeo dễ chịu và thoải mái cả với những người tai nhỏ. 

Dây dẫn đi kèm của Moondrop SSR có chất lượng tốt hơn rõ rệt khi đặt cạnh dây của BLON BL-03. Một bên là dây đồng mạ bạc sáng lấp lánh, một bên chỉ là dây đồng OFC phủ nhựa đen. 

Nói tóm lại về thiết kế trải nghiệm người dùng, Moondrop SSR chiến thắng áp đảo BLON BL-03.

 

VỀ CHẤT ÂM

BLON BL-03 là một thái cực hoàn toàn trái ngược của Moondrop SSR. Âm tổng thể ấm và dày dặn đối lập với kiểu âm thiên sáng đặc trưng trên Moondrop SSR. Chính kiểu âm an toàn này mà BLON BL-03 đã được số đông người dùng yêu thích.

Tuy nhiên, Bass trên BLON BL-03 chậm hơn, lỏng lẻo và thiếu kiểm soát hơn nhiều khi so với Moondrop SSR, đó chính là lý do tại sao BLON BL-03 lại nghe ấm hơn. Bù lại, BLON BL-03 nhiều sub-bass hơn Moondrop SSR.

Ở dải treble và tính chính xác trong âm thanh, Moondrop SSR rõ ràng là tốt hơn. Tôi có thể thấy rõ tiếng cymbals giòn và chi tiết hơn hẳn trên BLON BL-03. 

 

Moondrop SSR vs TinHifi T2

 

THIẾT KẾ VÀ HOÀN THIỆN

Tin Hifi T2 gây được tiếng vang lớn một phần là do thiết kế chắc chắn và bền bỉ của nó khi so sánh với các đối thủ cùng tầm. Tuy nhiên Moondrop SSR tỏ ra nổi trội hơn khi được chế tạo từ kim loại và dùng ốc vít để ghép nối housing chứ không phải dùng keo dán như TinHifi T2. 

Kích thước và trọng lượng của TinHifi T2 đều nhỉnh hơn Moondrop SSR nên cảm giác đeo thoải mái dễ chịu phần thắng lại thuộc về SSR. 

Dây dẫn trên Moondrop SSR và TinHifi T2 có thể nói là ngang ngửa nhưng Moondrop SSR sử dụng chân cắm 2-pin 0.78 phổ thông và bền bỉ hơn nhiều so với connector MMCX trên TinHifi T2. 

Do đó, tổng kết lại, Moondrop SSR vẫn dành phần thắng trong thiết kế tối ưu trải nghiệm người dùng.

VỀ CHẤT ÂM

Một đối thủ cực kỳ đáng gườm trong tầm giá của Moondrop SSR không thể không nhắc đến là TinHifi T2. Đây là mẫu tai nghe từng làm mưa làm gió làng âm thanh giá rẻ trong năm 2018. Nhưng khi đặt cạnh Moondrop SSR tôi nghĩ rằng đã đến lúc TinHifi T2 phải nhường sân khấu. 

Dải treble trên Moondrop SSR mượt mà và chặt chẽ hơn. Đồng thời chi tiết được thể hiện nhiều hơn mà không bị thô ráp. Tôi đồng ý là TinHifi T2 cho âm leng keng và nhiều năng lượng hơn nhưng nó lại làm nhiều người khó chịu vì âm khá thô ráp. 

Dải mid trên Moondrop SSR tiến hơn, liền lạc hơn hẳn TinHifi T2. Màu âm của nhạc cụ cũng thể hiện chính xác hơn. 

Dải bass của Moondrop SSR xuống sâu hơn, chặt chẽ, đánh nhanh hơn và có tính kỹ thuật tốt hơn.

TinHifi T2 không lép vế hoàn toàn khi trình diễn được sân khấu có chiều rộng và chiều sâu nhỉnh hơn so với Moondrop SSR. Về khả năng tách lớp nhạc cụ thì Moondrop SSR vẫn nhỉnh hơn. 

Tôi từng rất yêu TinHifi T2 và không hề muốn nó bị rơi vào quên lãng nhưng quả thực Moondrop SSR đã làm nó trở nên lu mờ. 

 

Moondrop SSR vs Kinera SIF

THIẾT KẾ VÀ HOÀN THIỆN

Kinera SIF có thiết kế khá bắt mắt với phần vỏ màu trắng cùng dòng chữ bạc nổi bật. Dây dẫn của Kinera SIF cũng sử dụng chất liệu đồng mạ bạc giống trên Moondrop SSR. Tuy nhiên chân cắm sử dụng trên SIF là MMCX chứ không phải 2-pin như trên Moondrop SSR. 

Kinera SIF sử dụng chất liệu nhựa nên không cho cảm giác cứng cáp chắc chắn như Moondrop SSR được. Các chi tiết hoàn thiện trên cả 2 mẫu tai nghe đều không có sự chênh lệch quá nhiều. 

Cảm giác đeo và độ fit tai thì Moondrop SSR vẫn giành được ưu thế hơn do có thiết kế nhỏ gọn, dễ đeo vừa với nhiều cỡ tai khác nhau. Tuy nhiên thiết kế của Kinera SIF có ưu điểm đó là khả năng cách âm tốt hơn do housing lấp đầy gần như toàn bộ khoang ngoài tai. 

VỀ CHẤT ÂM

Tôi khá thích SIF và nghĩ rằng đây là một chiếc tai nghe tốt nhưng Moondrop SSR chắc chắn sẽ hạ gục nó. Cả 2 mẫu tai nghe này đều thiên sáng nhưng dải Treble trên Moondrop SSR mượt hơn, sạch hơn và dễ nghe hơn hẳn. Dải mid của Kinera SIF tiến ít hơn và cũng không ấm bằng Moondrop SSR. Chi tiết và độ rõ nét của âm thanh trên SIF khá tốt nhưng vẫn dưới Moondrop SSR một bậc do màu âm của Moondrop SSR sát với tự nhiên hơn. Dải bass là phần mà SIF sẽ thắng thế Moondrop SSR. Mid-bass trên SIF có hơi thiếu kiểm soát hơn so với SSR nhưng nó cho cảm giác căng nảy và nổi khối hơn. Sub-bass trên SIF cũng có lượng rõ rệt hơn, xuống được sâu hơn tuy nhiên tốc độ chung của dải bass lại thua kém khi so với Moondrop SSR. 

Không gian sân khấu tái tạo bởi SIF khá ổn, nhưng Moondrop SSR cho cảm giác rộng rãi thoáng đãng hơn. Khả năng tách lớp nhạc cụ của Moondrop SSR thể hiện tốt hơn và chính xác hơn một bậc so với Kinera SIF

TỔNG KẾT

Tuy mỗi mẫu tai nghe đều có điểm mạnh yếu riêng nhưng Moondrop SSR tỏ ra nhỉnh hơn rõ ràng cả về thiết kế, hoàn thiện cũng như chất âm khi so sánh với các đối thủ cùng tầm. Do đó, Moondrop SSR chắc chắn là một mẫu tai nghe cực kỳ đáng giá đồng tiền bát gạo, xứng đáng trở thành mẫu tai nghe IEM được yêu thích nhất 2020 trong tầm giá 1 triệu đồng. Đây là chiếc tai nghe phải thử nếu bạn mới bước vào con đường âm thanh. 

Nhận xét bài viết


(Xem mã khác)

Hiện tại chưa có ý kiến đánh giá nào về bài viết này. Hãy là người đầu tiên chia sẻ cảm nhận của bạn.